Đẩy mạnh quảng bá về Công viên địa chất non nước Cao Bằng
Thác Bản Giốc - danh thắng nổi tiếng tại Cao Bằng; Ảnh: Thế Phi
Theo kế hoạch chương trình, đoàn sẽ đi khảo sát tại 3 tuyến du lịch địa chất trong vùng Công viên địa chất non nước Cao Bằng, bao gồm: Tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” với điểm ngắm cảnh Mã Phục, cảnh quan Mắt Thần núi Nậm Chá (huyện Trà Lĩnh); làng làm hương, làng rèn (huyện Quảng Uyên); làng đá Khuổi Ky, động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh); điểm hóa thạch tay cuộn, điểm ranh giới Bất chỉnh hợp, chùa Sùng Phúc (huyện Hạ Lang).
Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” với đền Dẻ Doóng, hang Ngườm Bốc, vườn đá hang Ngườm Slua, đền Vua Lê (huyện Hòa An); làng thổ cẩm Luống Nọ, điểm chụp ảnh Kéo Yên, điểm hóa thạch Lũng Luông, đền Nùng Chí Cao, khu di tích Pác Bó (huyện Hà Quảng).
Tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay” với điểm di sản địa chất, làng dệt Dao Tiền, khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, bảo tàng khu di tích, nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khu sinh thái Phia Oắc – Phia Đén (khu nuôi cá hồi Phia Đén, khu nghỉ dưỡng Kolia).
Đặc biệt, trong chương trình khảo sát, ngày 12/9/2019, tại thành phố Cao Bằng, đoàn khảo sát sẽ tham dự buổi Họp báo Lễ kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng.
Cao Bằng là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ, nơi đây có núi, rừng, sông, suối trải dài hung vĩ, bao la, thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ, nguyên sinh. Ngày 12/4/2018, UNESCO đã công nhận Công viên địa chất non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Công viên địa chất non Nước Cao Bằng trở thành Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO thứ 5 của Đông Nam Á và thứ 2 của Việt Nam (sau Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn) Công viên địa chất non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275 km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu Tổ quốc với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử.
Tin: Thu Thủy: Ảnh: Thế Phi