Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất diễn ra gồm 4 nội dung chính: Đầu tư xúc tiến thương mại vào cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển liên kết sản phẩm, đẩy mạnh công tác truyền thông và phát triển nguồn nhân lực.
Về nội dung kêu gọi đầu tư xúc tiến thương mại vào các cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao, giải trí du lịch, đã có 51 dự án đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh, 36 dự án đầu tư vào 6 tỉnh cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long và 92 dự án đầu tư vào 7 tỉnh cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long với tổng số vốn là 193.691 tỷ đồng được mời gọi đầu tư.
Về nội dung liên kết phát triển sản phẩm nhận được các ý kiến đóng góp từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nêu những giải pháp mới nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển sản phẩm đặc trưng và liên kết vùng.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Thành phố đã xác định là đối tác phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long nên cần có sự kết nối toàn diện và bền vững giữa TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó liên kết phát triển trong du lịch được nhận diện là một trong những đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội của cả vùng. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch vẫn tồn tại một số hạn chế liên quan đến việc quy hoạch, kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, thương hiệu du lịch liên kết vùng đặc trưng của 14 tỉnh thành, cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin…
Đánh giá về tốc độ phát triển du lịch của 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Dù có nhiều nỗ lực nhưng trong thời gian qua, từ năm 2011 - 2018 tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế của 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long từ 1,4 triệu lượt khách lên đến 3,4 triệu chỉ tăng trung bình khoảng 13% và lượng du khách nội địa tăng từ 15 triệu đến 37 triệu, đạt tốc độ tăng trưởng 13,5%. Theo con số này thì tốc độ tăng trưởng không quá thấp, nhưng so với cả nước thì còn thấp và so với 14 tỉnh miền Trung thì số lượng khách quốc tế đến với 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng 1/3. Bộ trưởng nhấn mạnh, du lịch của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thời gian khách đến còn ngắn, công tác xúc tiến, quảng bá còn yếu và chưa hiệu quả, nguồn nhân lực qua đào tạo còn thiếu.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại sự kiện
Để đáp ứng mục tiêu đón khách của ngành Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long cần hợp tác và nghiên cứu để hình thành mô hình hợp tác, liên kết hiệu quả; tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng miền; tập trung nguồn lực cho công tác xúc tiến quảng bá cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao tính cần thiết của sự liên kết này. Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành tập trung phát huy các di sản văn hóa, con người để có những sản phẩm du lịch riêng biệt. Phải tận dụng được công nghệ mới để tăng cường kết nối, để làm du lịch thông minh, như xu thế hiện nay chỉ cần điện thoại di động là có thể đặt vé, đặt chỗ… Bên cạnh đó, du lịch không chỉ là sự kết nối giữa ngành với ngành mà còn giữa các địa phương với nhau, liên kết phát triển cần chú ý phát triển bền vững trong tương lai cả về số lượng lẫn chất lượng, để du khách hài lòng hơn và mọi người dân đều tham gia làm du lịch và được thụ hưởng từ du lịch.
Tại hội nghị, đại diện Sở Du lịch, Sở VHTTDL của 14 tỉnh, thành cùng ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Sở VHTTDL Đồng Tháp tiến hành nghi thức trao biểu trưng đăng cai tổ chức Diễn đàn Kết nối Du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long lần 2 năm 2021 sẽ diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp.
Tin: Thu Thủy; Ảnh: Diễm Phi