Hiện vật hiến tặng tại Bảo tàng Đắk Lắk: Những giá trị vượt thời gian
Ông Đinh Một Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho hay, từ ngày 2 đến 23/11, Bảo tàng Đắk Lắk đã mở Cuộc vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật nhằm đa dạng hóa các hoạt động trưng bày, giới thiệu, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, hưởng thụ văn hóa của công chúng và du khách khi đến với Đắk Lắk.
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc đi lại cũng như vận chuyển khá khó khăn, nhưng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh vẫn gửi tặng hàng trăm tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Đắk Lắk. Điều này có vai trò rất quan trọng, phần nào giúp những tư liệu quý được sưu tầm và tránh thất thoát, vì trên thực tế có nhiều hiện vật nếu không bảo quản tốt sẽ hư hỏng theo thời gian.
Nhà sưu tập Võ Minh Luân (bên phải) trao tặng hiện vật tượng voi cho Bảo tàng Đắk Lắk
Những hiện vật được trao tặng cho Bảo tàng Đắk Lắk lần này không chỉ đa dạng về chất liệu, chủ đề như: hiện vật liên quan đến thời kỳ bao cấp, về đời sống văn hóa các dân tộc Việt Nam… mà còn rất độc đáo, quý hiếm, được các cá nhân “hữu duyên” tặng lại cho bảo tàng. Đơn cử như hai cuốn tài liệu gốc: “Route Tropiques” (xuất bản năm 1944) và “Les Annales” (xuất bản năm 1930) tại Pháp do ông Nguyễn Viết Kình (TP. Hồ Chí Minh) hiến tặng.
Ông Kình vốn là người Đắk Lắk, dù đã xa quê hàng chục năm nhưng ông vẫn giữ một tình yêu sâu đậm với mảnh đất này. Ngay khi Bảo tàng Đắk Lắk vận động, ông đã hiến tặng hai tài liệu mà mình đã dày công tìm kiếm, mua ở nước ngoài và mang về Việt Nam. Trong cả hai tài liệu đều có bài viết mang tên “Le Tombeau de la Race Moi” với nội dung đề cập đến địa danh Buôn Ma Thuột. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, có giá trị phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày.
Hai cuốn tài liệu gốc: “Route Tropiques” (xuất bản năm 1944) và “Les Annales” (xuất bản năm 1930) tại Pháp do ông Nguyễn Viết Kình (TP. Hồ Chí Minh) hiến tặng
Nhiều hiện vật thể hiện đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk như nhóm hiện vật mang đặc trưng của người Bru Vân Kiều do ông Bôn Si Môn Ca Na An (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) hiến tặng bao gồm: chõ, đĩa gốm, tẩu thuốc nam,tẩu thuốc nữ; chiếc áo được làm từ sợi bông, dành cho nam giới trưởng thành mặc trong dịp cúng sức khỏe, lễ cưới…
Đặc biệt, nhà sưu tập Võ Minh Luân (TP. Buôn Ma Thuột) không chỉ tự mình hiến tặng 15 tư liệu, hiện vật bao gồm các tài liệu, sách viết về văn hóa, con người Tây Nguyên, những bức tượng voi, hiện vật làm bằng gốm… mà còn tích cực kêu gọi, vận động các nhà sưu tập trong câu lạc bộ cổ vật Thuận An hiến tặng nhiều tài liệu, hiện vật quý cho Bảo tàng Đắk Lắk.
Anh Luân tâm sự: “Đây là lần thứ ba tôi tặng hiện vật cho Bảo tàng Đắk Lắk, trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì hiến tặng vào những thời điểm phù hợp. Bởi khi đặt mình trong cương vị một du khách, người dân, được chiêm ngưỡng, tìm hiểu hiện vật "sống" cách mình hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm với những câu chuyện về văn hóa, lịch sử…chứa đựng bên trong, thì cảm thấy vô cùng hấp dẫn. Từ đó, tôi càng thêm yêu quê hương, đất nước và càng muốn bảo tồn, lưu giữ chúng theo thời gian, với hy vọng không chỉ nhiều người dân mà thế hệ con cháu mai sau cũng có cơ hội được thưởng lãm, tìm hiểu về chúng…”.
Các tài liệu, hiện vật được tiếp nhận đã trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk, đồng thời trưng bày chuyên đề trên các nền tảng ứng dụng công nghệ của đơn vị như: Trang thông tin điện tử, Zalo, Facebook nhằm đa dạng hóa các hoạt động trưng bày, giới thiệu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tham quan, học tập của công chúng và du khách. Đó cũng là cách tôn vinh và tri ân những tình cảm quý báu, dành cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hiến tặng hiện vật.
Các đại biểu, du khách tham quan trưng bày các hiện vật được hiến tặng tại Bảo tàng Đắk Lắk
Ông Đinh Một cho biết thêm, với vai trò, chức năng của Bảo tàng cấp I khu vực Tây Nguyên, Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng đến công tác sưu tầm, bổ sung các hiện vật, tư liệu về lịch sử, văn hóa của các dân tộc. Hoạt động hiến tặng hiện vật của các nhà sưu tập, tổ chức, cá nhân là việc làm hết sức ý nghĩa cho bảo tàng, nhằm gìn giữ và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Một số cá nhân nhiều lần hiến tặng những hiện vật quý hiếm mà ngay cả các bảo tàng lớn trong nước cũng chưa có.
Mai Sao