Non nước Việt Nam

Hiểu đủ hơn để phát huy tốt di sản văn hóa phi vật thể

Cập nhật: 06/07/2022 08:56:05
Số lần đọc: 678
Tròn 20 năm Luật Di sản văn hóa có hiệu lực trong đời sống, góp phần bảo vệ di sản một cách mạnh mẽ. Trong 20 năm đó, khái niệm “di sản văn hoá phi vật thể” được hoàn thiện dần đã là cơ sở để bảo vệ và cho những kinh nghiệm nhằm phát huy di sản tốt hơn.


Di sản hát xoan đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp do được bảo tồn và phát huy hiệu quả.

Khái niệm được hoàn thiện dần

Trước đây chúng ta thường mới chú ý bảo tồn di tích (những di sản văn hóa vật thể) còn di sản văn hoá phi vật thể thì chưa có khái niệm và cũng chưa có chính sách cụ thể. Tuy bức tranh văn hóa phi vật thể của 54 tộc người ngày càng rõ nét, đa dạng nhưng cũng mới dừng lại ở việc tư liệu hóa, viết thành sách hoặc được khai thác làm nền cho những sáng tác âm nhạc, múa, sân khấu và điện ảnh… Việc bảo vệ di sản bền vững theo nghĩa được trao truyền liên tục và tiếp nối còn chưa có định hướng và chính sách mang tính chiến lược.

Luật Di sản văn hóa ra đời cuối năm 2001 trở thành công cụ pháp lý góp phần bảo vệ di sản một cách mạnh mẽ. Năm 2009, Luật Di sản văn hóa được sửa đổi, khái niệm Di sản văn hóa phi vật thể được sửa đổi, bổ sung: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”1. Khái niệm này đã xác định chủ thể, không gian, sự kế tục là những đặc điểm cơ bản nhất của di sản văn hóa phi vật thể và cùng với khái niệm của Công ước UNESCO năm 2003 đã được dùng trong nhận diện di sản, trong giảng dạy và làm việc với cộng đồng.

Cần “người hỗ trợ” cộng đồng và xây dựng chính sách “từ dưới lên”

Đặc điểm của di sản phi vật thể là “sống” và không thể (được) quản lý theo cách như với các hiện vật, di tích, di sản vật chất. Di sản văn hóa phi vật thể được “đưa vào danh mục để vinh danh” là chưa đủ. Điều quan trọng tiếp theo là bảo vệ và phát huy di sản đó. Tuy “Giữ di sản hay không? Giữ như thế nào?” là quyền và việc của cộng đồng đang sở hữu di sản nhưng nếu gặp những khó khăn trong vấn đề bảo tồn, họ cần có sự giúp đỡ của những “người hỗ trợ”.

Người làm công tác quản lý nhà nước và các nhà nghiên cứu chính là “người hỗ trợ” (thuật ngữ của UNESCO: supporters) có nhiệm vụ xây dựng chính sách bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, “người hỗ trợ” không thể tự quyết định cách thức bảo vệ di sản. Còn cần có một quy trình kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, cũng chính là “kiểm kê dựa vào cộng đồng” (thuật ngữ của UNESCO) - đó là quá trình những “người hỗ trợ” làm việc cùng với cộng đồng để nhận diện các giá trị di sản, hiểu những khó khăn đối với việc trao truyền, thực hành di sản, từ đó tìm kiếm những điều kiện để di sản có thể phục hồi, duy trì, phát triển một cách hữu ích cho chính cộng đồng đó và tìm ra các phương thức để bảo vệ di sản, qua đó góp phần bảo vệ đa dạng văn hóa của quốc gia và nhân loại. Chính sách cần được xây dựng từ “dưới lên” (bottom up) chứ không phải từ “trên xuống” (top down).

Đến nay hầu hết các địa phương đã triển khai chương trình kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Một số di sản đã được đưa vào danh mục quốc gia để gắn với phát triển bền vững. Nhưng ở nhiều địa phương, cùng với sự chậm trễ, đôi khi sự vận dụng một cách máy móc và cứng nhắc những khái niệm và biện pháp bảo vệ đã làm cho việc bảo vệ di sản phi vật thể còn có những hạn chế, lúng túng và thiếu hiệu quả. Một số dự án phục hồi, phục dựng làm sai lệch giá trị, hình ảnh di sản. Luật không quy định việc “xếp hạng” nhưng điều khoản về lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chưa rõ mục tiêu và hướng dẫn nên vẫn có nhiều người nhầm lẫn đây là “xếp hạng”…

Bảo vệ tốt hơn và phát triển bền vững

Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước 2003 của UNESCO. Năm 2009 nội dung bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã được bổ sung nhiều hơn, cụ thể hơn. Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đã vận dụng Luật Di sản văn hóa, đối chiếu với Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tiếp cận các quan điểm trong nước, quốc tế khi đưa ra các lý thuyết, xây dựng các chính sách bảo vệ di sản, tăng cường truyền thông với lĩnh vực di sản này…

Đã có địa phương thu được những thành công nổi bật như Phú Thọ, đưa được hát xoan ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Để có được thành quả đó, tỉnh Phú Thọ đã có những chính sách kịp thời và phù hợp như: tôn vinh, phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân, có biện pháp khuyến khích cụ thể qua hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho nghệ nhân và những người tham gia các lớp truyền dạy, hỗ trợ quỹ hoạt động cho các phường hát xoan… Thành quả này cũng để lại kinh nghiệm về tầm nhìn của chính quyền địa phương coi di sản văn hóa là một nguồn lực phát triển, về nêu cao trách nhiệm của quốc gia, của địa phương, của cộng đồng đối với một di sản trong danh sách của UNESCO. Đó cũng chính là một chiến lược phát triển văn hóa bền vững cần được phát huy, nhân rộng.

Minh Trang

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 06/7/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT