Hòa Bình: Khai thác tiềm năng, lợi thế hướng trục phát triển về vùng Thủ đô
Đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình đưa vào khai thác sử dụng rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh với Thủ đô Hà Nội.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh tập trung triển khai thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược gồm: Quy hoạch, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển 3 trụ cột chính là nông nghiệp, công nghiệp sạch, phụ trợ có giá trị cao và du lịch là mũi nhọn, lấy quy hoạch vùng Thủ đô làm định hướng phát triển. Về công tác quy hoạch, Thường trực Tỉnh uỷ tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo kế hoạch đến tháng 8/2022 trình Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch tỉnh xác định rõ hướng phát triển của tỉnh là thực hiện mục tiêu đưa tỉnh trở thành tỉnh hàng đầu trong khu vực Tây Bắc nhờ tăng trưởng GDP, với các trụ cột tăng trưởng chính là: Du lịch sinh thái; công nghiệp xanh; nông nghiệp sạch... Tăng trưởng bền vững; kinh tế số; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; hạ tầng internet; hạ tầng giáo dục, y tế; đổi mới và quy hoạch sáng tạo... Các quy hoạch ngành, lĩnh vực đồng bộ với quy hoạch tỉnh, chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Về định hướng thu hút đầu tư, tỉnh tập trung thu hút các dự án thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao, tập trung thu hút những dự án vào lĩnh vực du lịch, đô thị, sinh thái, theo xu thế phát triển mới là Hoà Bình trở thành ngôi nhà thứ 2 của Thủ đô. Tập trung thu hút đầu tư dự án vào các khu vực có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, môi trường như hồ Hòa Bình; các huyện: Mai Châu, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ… Bên cạnh đó, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa, cải thiện đời sống người dân. Phát triển du lịch với mục tiêu Hòa Bình trở thành địa điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp không chỉ trong nước mà còn trong khu vực, quốc tế… Định hướng phát triển công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị, chú trọng các dự án tạo nguồn thu lớn, bền vững cho ngân sách, giải quyết việc làm, phát triển bền vững.
Đối với phát triển nông, lâm nghiệp định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, xanh; nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ, hướng tới thị trường Thủ đô; phát triển các loại dược liệu dưới tán rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương… Tỉnh đang khởi động các dự án đột phá về hạ tầng, nhất là giao thông, ưu tiên bố trí khoảng 65% ngân sách đầu tư các dự án, huy động nguồn lực sớm khởi công các dự án chiến lược như: Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và đường liên kết vùng TP Hòa Bình - Kim Bôi, kết nối Hòa Bình với Hà Nội và Sơn La, phát triển hạ tầng đô thị các vùng động lực như TP Hòa Bình, Lương Sơn, Kim Bôi… Bên cạnh đó tính toán huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, nông nghiệp, hạ tầng công nghiệp để thu hút đầu tư, tạo sự phát triển.
Tỉnh đang chỉ đạo các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đạt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tối thiểu 3 bậc/năm, phấn đấu đến năm 2025, cắt giảm tối đa 30% về thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp so với quy định của T.Ư; chỉ số PCI và chỉ số PAPI của tỉnh xếp trong tốp 30 của cả nước…; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu, ách tắc trong thực hiện các TTHC liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu tạo chuyển biến thực chất môi trường kinh doanh, huy động các nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Tỉnh uỷ đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác giải phóng mặt bằng theo hướng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, bảo đảm cuộc sống của người dân tốt hơn, phục vụ sự phát triển của tỉnh. Xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư dựa trên năng lực tài chính thực hiện các dự án đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính; thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sản phẩm có tính cạnh tranh; kiên quyết từ chối các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Thời gian qua đã có nhiều nhà đầu lớn như: TH True Milk, Sun Group, FLC... nghiên cứu, triển khai các dự án tập trung vào lĩnh vực đô thị, sinh thái, du lịch công nghiệp ở nhiều địa phương như: Lương Sơn, TP Hòa Bình, Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc… Một số nhà đầu tư lớn đã đề ra kế hoạch khởi công các dự án đô thị, du lịch sinh thái trong năm 2022.
Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, khâu đột phá chiến lược, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc trong hệ thống chính trị và các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh. Tỉnh tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, công chức phát huy năng lực, gắn với cơ chế kiểm tra, đôn đốc, lấy sản phẩm làm thước đo, hiệu quả đánh giá chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Có thể thấy, định hướng, giải pháp phát triển của tỉnh đã được xác định rất rõ trong nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đó là phấn đấu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước. Phát triển nông nghiệp là nền tảng, công nghiệp là đột phá và du lịch là mũi nhọn. Phương châm hướng tới phát triển xanh, bền vững, phát triển 3 trụ cột chính là nông nghiệp, công nghiệp sạch, phụ trợ có giá trị cao và du lịch là mũi nhọn, phát triển hạ tầng quan trọng hướng tới vùng Thủ đô, xây dựng các sản phẩm du lịch, văn hoá, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cung cấp cho vùng Thủ đô…
Lê Chung