Hoang sơ thác Nước Ví (Quảng Nam)
Du khách tắm tại dội một của thác Nước Ví. Ảnh: V.B
Dội một nằm ở tầng thấp nhất, gần khu rừng sản xuất với một thác nước lớn, cao trên 70m và hai hồ nước rộng hàng nghìn mét. Dội hai rộng lớn nhất với hàng chục hồ nước và tầng thác vắt trên một bình địa suối đá đồ sộ. Đặc biệt, có một thác nước lớn, năm tầng uốn lượn theo hình chữ S, bọt nước tung trắng xóa quanh năm do nguồn nước mạnh từ thượng nguồn đổ xuống, va vào các tảng đá lớn.
Dội ba nằm sát đỉnh núi Ví, gồm những hang đá lạnh buốt, ẩn mình trong thác nước sừng sững, như bị bẻ cong và được che mát bởi những cây rừng đại thụ rêu phong, cõng đầy những ụ lan rừng xanh mướt, lóng lánh đơm hoa, khoe sắc. Đây là nơi dành cho những người thích phiêu lưu, mạo hiểm đến khám phá bởi đường lên thác là những dốc đá thẳng đứng và phải lách qua thác nước khổng lồ từ dội hai hoặc cắt rừng từ lối mòn rất xa để trèo lên.
Chính hệ sinh thái rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn còn khá nguyên vẹn nên nguồn nước ở thượng nguồn suối Nước Ví luôn dồi dào. Vào mùa hè oi bức, khắp nơi khô kiệt nguồn nước ngầm thì tại khu vực này vẫn luôn có dòng thác chảy và những hồ nước đầy ắp, xanh thẳm, mát lạnh. Ngọn nước tự nhiên, tuôn trào chảy mạnh lâu ngày còn bào mòn, làm trơn láng nhiều tảng đá và tạo nên những tuyệt tác đá tự nhiên độc đáo. Nhiều người dân bản địa còn lý giải những mỏm đá mòn, trơn láng tuyệt đẹp đó là do các ông Ngài (hổ rừng), ông Vâm (voi rừng) thời xưa khi ra thác nước tắm nắng cạ lưng, gãi ngứa nhiều lần tạo nên.
“Tôi đã đi tham quan nhiều thác nước, khu du lịch sinh thái ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, Lâm Đồng nhưng chưa thấy nơi nào có số lượng thác, hồ nước dồi dào, trải rộng và cảnh quan kỳ bí, hùng vĩ như tại khu này. Tôi đến đây đã hai lần rồi và sắp tới sẽ còn quay lại để đưa người thân lên đây trải nghiệm. Ở đây thoáng mát, sạch sẽ và có rất nhiều cảnh quan tự nhiên lý thú để khám phá” - ông Hoàng Tứ, một chủ doanh nghiệp ở TP.Đà Nẵng trầm trồ.
Còn theo ông Huỳnh Ngọc Chiến - Chủ tịch UBND xã Trà Kót, đường vào khó khăn, phải đi bộ theo lối mòn hiểm trở nhưng cứ đến mùa nắng nóng, du khách ở khắp nơi thường kéo về đây tham quan, tắm thác. “Chính quyền đoàn thể xã vận động họ không vứt rác thải bừa bãi để bảo vệ môi trường; đồng thời phối hợp vận động người dân bảo vệ rừng, không xâm hại rừng đầu nguồn núi Ví nhằm giữ cho khu thác luôn toàn vẹn, là điểm đến lý thú. Hy vọng, trong tương lai không xa, tiềm năng về du lịch tại đây sẽ được đánh thức bởi ngành chức năng của huyện và tỉnh” - ông Chiến nói.
VĂN BÌNH - ĐAN NGUYÊN