Niềm tự hào của Thái Bình
Chùa Keo là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Việt Nam còn lưu giữ được hầu như nguyên vẹn kiến trúc xưa.
Kiệt tác kiến trúc cổ Việt Nam
Chùa Keo nằm trên địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư. Chùa được xây dựng vào thời Lê, từ năm 1630 - 1632, có tên gọi khác là Thần Quang Tự, thờ Phật và thờ Đại sư Không Lộ, người có công xây dựng chùa. Với tuổi đời gần 400 năm tồn tại, giá trị lớn nhất trong kiến trúc chùa Keo là trải qua nhiều lần tôn tạo, song chùa Keo vẫn giữ được nét kiến trúc cổ độc đáo của ngôi chùa cổ Việt, là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Việt Nam còn lưu giữ được hầu như nguyên vẹn kiến trúc xưa.
Theo bia đá trong chùa ghi lại, khi xây dựng, chùa Keo tọa lạc trên khu đất rộng 58.000m2, gồm 21 công trình với 127 gian công trình kiến trúc. Hiện nay, toàn bộ kiến trúc chùa Keo còn 17 công trình chính như: Tam quan, chùa Phật, điện Thánh, gác chuông, khu hành lang và khu tăng xá... với hơn 100 gian. Đây cũng là ngôi chùa cổ có số lượng gian nhiều nhất còn lại đến nay và là một phức hợp kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Kiến trúc chùa Keo được xem là độc đáo bởi tuy là công trình kiến trúc có quy mô lớn nhưng bố cục rất chặt chẽ. Hơn 100 gian lớn nhỏ khác nhau được bố trí thành một khối kiến trúc đăng đối liên hoàn: tam quan ngoại, hồ nước lớn, tam quan nội, chùa Phật, đền Thánh và cuối cùng là gác chuông. Tuy gồm hàng trăm tòa nhà, gian nhà nhưng kiến trúc ngôi chùa không hề đơn điệu. Nhìn từ trên cao, độ cao mái, độ xòe rộng cao thấp khác nhau của các công trình chùa Keo như một “lớp sóng cồn”.
Trong quần thể kiến trúc chùa Keo, công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, nghệ thuật bậc nhất là gác chuông bằng gỗ, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04m gồm 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng ngậm, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng.
Bên cạnh đó, nét độc đáo trong kiến trúc chùa Keo còn là nguyên vật liệu chủ yếu dùng để xây chùa là gỗ, gạch ngói và đá. Không gian kiến trúc chùa Keo được kiến trúc hiện đại coi như là một mẫu mực có tính truyền thống và tính thực dụng cho kiến trúc hiện đại tiêu biểu cho kiến trúc thời hậu Lê. Hiện nay, chùa Keo còn bảo lưu được hàng trăm tượng pháp và đồ tế thời Lê. Chùa Keo được đánh giá là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian, ngôi chùa vẫn toát lên vẻ cổ kính, vững chắc với thời gian. Với những giá trị lịch sử, văn hóa của mình, chùa Keo được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.
Lễ hội độc đáo có một không hai
Tại chùa Keo, mỗi năm tổ chức hai mùa lễ hội. Hội xuân được mở vào ngày mùng 4 tháng Giêng. Hội thu được mở vào các ngày 13 - 15 tháng 9 âm lịch và là hội chính nhằm tưởng nhớ, suy tôn Ðức thánh Thiền sư Không Lộ.
Nếu như lễ hội mùa xuân vừa là lễ hội nông nghiệp vừa là lễ hội thi tài gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp vùng sông nước thì lễ hội mùa thu ngoài tính chất là hội thi tài giải trí còn mang đậm tính chất của một lễ hội lịch sử. Lễ hội chùa Keo hiện còn bảo lưu nguyên vẹn nhiều nghi thức truyền thống như: khai chỉ mở cửa đền Thánh, tế lễ Phật thánh trong nội tự chùa, rước kiệu Đức thánh... Nghi lễ rước kiệu Đức thánh tại lễ hội chùa Keo là một nghi lễ được tổ chức kỳ công, hoành tráng nhất trong các lễ hội của vùng châu thổ Bắc Bộ nhằm tái hiện lại cuộc kinh lý của Thiền sư Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và các sự lệ diễn tả lại cuộc đời của ngài. Nghi lễ rước thánh được tổ chức vào ngày 14/9 là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Thiền sư Không Lộ, cũng là ngày giữa hội. Chuẩn bị từ giữa đêm, đến 6 giờ sáng, cuộc rước chính thức bắt đầu. Mặc dù đoàn rước khổng lồ hàng nghìn người, kéo dài hàng trăm mét, với nhiều thành phần tham gia như người già, trai tráng, phụ nữ, trẻ em trong trang phục chỉnh tề, cầu kỳ cùng hệ thống đạo cụ đa dạng như kiệu, lọng, long đình, nhang án, trống, chiêng…, song tất cả thành viên tham gia rước kiệu đều tôn nghiêm, thành kính tuân theo các quy định truyền thống nghiêm ngặt. Nghi lễ rước kiệu là nghi lễ mang tính tôn giáo đặc trưng nhưng lại đậm đà sắc thái của những sinh hoạt văn hóa dân gian của đất và người Thái Bình. Qua các nghi lễ đó, dân làng cầu mong thánh thần phù hộ độ trì, che chở cho mùa màng bội thu, cuộc sống an khang thịnh vượng.
Cùng với các nghi lễ độc đáo, lễ hội chùa Keo còn có các cuộc thi tài, các trò chơi dân gian đặc sắc không đâu có như thi bắt vịt, thi nấu cơm, thi ném pháo, thi thày đọc, thi kèn, thi trống, múa ếch vồ, bịt mắt đánh trống, leo cầu ngô… Thông qua các trò chơi dân gian truyền thống, hình thức biểu diễn nghệ thuật phản ánh lối sống của vùng dân cư nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ nói chung, Thái Bình nói riêng.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phân cấp, giao huyện Vũ Thư lập Ban Quản lý di tích để quản lý và bảo vệ, phát huy giá trị di tích, lễ hội. Quy trình thực hành lễ hội và các nghi thức liên quan trong lễ hội được cộng đồng tổ chức và thực hiện gần nhất với nghi lễ truyền thống. Những năm gần đây, không gian di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo đã được đầu tư trùng tu tôn tạo, góp phần thu hút khách du lịch và bảo tồn lễ hội một cách bền vững. Nhiều trò chơi dân gian đã được khôi phục nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong lễ hội chùa Keo.