Hội nghị triển khai về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Tham dự hội nghị có: Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; Ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục bản quyền tác giả; Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành; Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam; cùng đại diện các Sở VHTTDL, Sở VHTT và Sở Du lịch các địa phương; các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 30/CT-TTg, trong đó làm rõ những nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.
Chỉ thị số 30/CT-TTg được ban hành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị tại địa phương theo thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Đồng thời đây là cơ sở để triển khai thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các yếu tố: Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững, trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng; từng bước tạo dựng thương hiệu quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, luật pháp trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh TITC
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng đã luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hoá ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hoá. Thành phố xác định phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, tiếp tục phát triển văn hoá ngang hàng với kinh tế, gắn với phát triển công nghiệp văn hoá; qua đó vừa quảng bá bản sắc văn hóa Đà Nẵng với bạn bè trong và ngoài nước, vừa góp phần gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa của quốc gia - dân tộc.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh TITC
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, ngành Du lịch đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Cục trưởng khẳng định, du lịch văn hóa được xác định là một trong những loại hình du lịch quan trọng hàng đầu của du lịch Việt Nam, nằm trong 3 dòng sản phẩm du lịch chính được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Du lịch tìm hiểu văn hóa cũng là mục đích và hoạt động chính của các hoạt động du lịch. Việc phát huy các giá trị văn hóa, hình thành các sản phẩm du lịch, tour tuyến du lịch, trải nghiệm du lịch văn hóa trong thời gian qua đã được chú trọng, thu hút được nhiều lượt khách du lịch.
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu đề xuất một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để có thể phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch, cần có nhiều giải pháp khơi thông năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa, yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách. Chìa khóa để tạo ra sự khác biệt này chính là khai thác những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương, điểm đến. Nhu cầu du lịch văn hóa của du khách là rất lớn, nhưng nếu cho tất cả các đối tượng khách cùng thưởng thức chung một sản phẩm thì sẽ không thể tạo ra sức hấp dẫn, vì thế cần cá biệt hóa trải nghiệm của các nhóm du khách trong hành trình du lịch, chẳng hạn du khách trẻ tuổi đang khá quan tâm đến yếu tố giáo dục trong tour, còn du khách trung tuổi trở lên mong muốn các yếu tố mang tính gắn kết, sẻ chia. Cùng với đó, việc phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch văn hóa như di sản, lễ hội, ẩm thực, kinh tế đêm và trải nghiệm cộng đồng,… sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước.
Hội nghị đã tập trung vào 3 nhóm vấn đề, gồm: (1) Đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian qua, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới; (2) Giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, thu hút nguồn lực hợp tác công tư; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số; (3) Xác định sản phẩm, dịch vụ cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao. Tầm quan trọng của phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa cả về số lượng và chất lượng.
Hội nghị cũng là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đối với các nhóm vấn đề thực tiễn triển khai phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian qua nhìn từ góc độ các nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp.
Qua hội nghị, các đại biểu đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với xu hướng phát triển mới hiện nay của đất nước nhằm đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong ghi nhận và đánh giá cao các tham luận, ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu rất phù hợp, đúng trọng tâm. Đây sẽ là nguồn tài liệu quý để tổng hợp, tham khảo, nghiên cứu phục vụ cho các hoạt động liên quan. Thứ trưởng cho rằng, hội nghị ngày hôm nay có tính chất mở để tất cả cùng thảo luận và chia sẻ cách giải quyết. Việc kết hợp cân bằng giữa hai yếu tố là văn hóa và du lịch chắc chắn sẽ tạo nên những kết quả tích cực, hài hòa góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Theo chương trình, ngày mai 22/11, các đại biểu khảo sát các mô hình và sản phẩm công nghiệp văn hóa tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).
Trung tâm Thông tin du lịch