Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn ngành Du lịch: Nhiều khách hủy tour, các đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ cần hợp tác, chia sẻ
Theo báo cáo của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), số liệu thống kê sơ bộ từ các địa phương, doanh nghiệp cho thấy, đến nay đã có hàng chục nghìn khách du lịch hoãn, hủy tour du lịch gây thiệt hại rất lớn đối với các đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ du lịch.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ ngày 28/7 đến ngày 2/8 đã có hơn 31.891 khách hủy tour nội địa. Công suất phòng khách sạn tính chung đạt khoảng 12%. Một số công ty lữ hành lớn như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng 21 tỷ đồng. Công ty Flamingo Redtours có 9.000 khách hủy tour, gây thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Công ty Hanoitourist có khoảng 5.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.
Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) của các doanh nghiệp du lịch lớn TP. Hồ Chí Minh đã bị huỷ. Riêng công ty Vietravel đã nhận yêu cầu hủy của khoảng 20.000 lượt khách, thiệt hại ước tính gần 90 tỉ đồng.
Theo Sở VHTTDL Lâm Đồng, số lượng phòng bị hủy tại Đà Lạt lên đến 16.000 phòng và còn có khả năng tăng thêm trong thời gian tới; tổng hợp báo cáo của 8 công ty lữ hành tại Lâm Đồng đã có khoảng 4.000 lượt khách hủy tour.
Thừa Thiên Huế có 1.931 khách hủy tour, thiệt hại về doanh thu khoảng 1.100 tỷ. Bình Định có 85% lượng phòng bị hủy tour. Bà Rịa – Vũng Tàu có 93 đơn vị kinh doanh bị đóng cửa. Đà Nẵng có hơn 1.000 khách bị kẹt tại địa phương, dịch vụ du lịch bị hủy rất lớn.
Dự kiến trong tháng 8/2020, tỷ lệ hủy phòng ở các địa phương sẽ lên hơn 90%. Đối với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng có công suất cao như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Ninh Bình... tỷ lệ hủy phòng của khách du lịch đã đặt là hơn 80% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Bên cạnh một số khách đồng ý hoãn, điều chỉnh thời gian đi du lịch, nhiều khách hàng khi hủy tour yêu cầu hoàn lại tiền 100%. Việc hoàn trả kinh phí cho khách đặt trước là rất khó khăn do kinh phí này cũng đã được doanh nghiệp lữ hành đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ tại điểm đến theo chương trình tour.
Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành báo cáo tổng hợp tại hội nghị
Đa số các ý kiến doanh nghiệp đều mong muốn trong thời điểm khó khăn hiện nay, khách hàng, người đi du lịch cần hết sức bình tĩnh, cảm thông để doanh nghiệp có thêm thời gian tìm ra các phương án tốt nhất bảo vệ quyền lợi khách hàng và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành mong muốn những đối tác hàng không, lưu trú, dịch vụ điểm đến điều chỉnh chính sách để có thể hoàn lại kinh phí (theo tỷ lệ hợp lý) hoặc gia hạn bảo lưu ít nhất 01 năm đối với các khoản tiền đặt cọc vé máy bay, dịch vụ cho khách hàng. Doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc quyết liệt để khẩn trương đưa ra các chính sách hỗ trợ khả thi giúp các doanh nghiệp du lịch sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Vừa qua, các hàng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways cũng đã công bố chính sách hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 liên quan đến việc hủy vé, hoàn tiền theo số lượng khách, bảo lưu tiền đặt cọc có thời hạn, hỗ trợ thay đổi lịch trình mới, miễn phí thay đổi, phụ thu chênh lệch… Tuy nhiên, cần xem xét tiếp tục tính toán có những chính sách hỗ trợ linh hoạt hơn nữa để đảm bảo cân đối lợi ích của các bên trong thời điểm này.
Trước tình hình đó, Tổng cục Du lịch với vai trò là cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương đã khẩn trương có văn bản (982/TCDL-LH ngày 29/7) gửi Sở quản lý du lịch các địa phương yêu cầu triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đảm bảo an toàn cho khách du lịch trước diễn biến của dịch Covid-19.
Mấy ngày vừa qua, hưởng ứng tinh thần này, nhiều địa phương trên cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, TP.HCM, Hà Giang, Lâm Đồng, Bình Định... cũng đã nhanh chóng vào cuộc bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí chia sẻ hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Một số giải pháp gợi mở được đưa ra tại Hội nghị để các bên cùng thảo luận gồm có: Đề nghị các hãng hàng không xem xét hoàn trả chi phí đặt vé máy bay cho khách du lịch (theo tỷ lệ hợp lý), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành giải quyết hoãn, hủy tour của khách. Đề nghị các địa phương không có dịch tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế (trong đó có du lịch); tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch địa phương giải quyết hoãn hủy tour du lịch một cách cụ thể, tránh gây tâm lý hoang mang cho du khách. Các doanh nghiệp du lịch tiếp tục tìm biện pháp phù hợp, chuyển đổi các chương trình du khách đã đặt sang coupon, các tour linh hoạt để khách có điều kiện chuyển đổi chương trình và thời gian phù hợp. Trong bối cảnh này, quá trình tháo gỡ khó khăn rất cần sự cảm thông, hợp tác và chia sẻ từ nhiều phía, cả khách hàng, nhà cung ứng dịch vụ, nhà sử dụng dịch vụ để có thể xử lý hài hòa, bảo đảm quyền lợi của các bên.
Đồng thời, thông qua tổ chức hội nghị trực tuyến này, Tổng cục Du lịch sẽ tổng hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp lữ hành, Hiệp hội du lịch và các địa phương để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch./.
Trung tâm Thông tin du lịch