Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Hợp tác, chia sẻ khó khăn lúc này là tiền đề phục hồi ngành Du lịch thời gian tới
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến chia sẻ về thực trạng, tình hình khó khăn hiện nay trong ngành du lịch sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại, cũng như nguy cơ thách thức mà ngành sẽ phải đối mặt thời gian tới. Các đại biểu đều có nhận định chung về tình trạng rất cấp bách hiện nay đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành. Sự suy yếu và đứt gãy bất kỳ mắt xích nào trong chuỗi giá trị du lịch chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của ngành du lịch trong thời gian tới khi dịch bệnh qua đi.
Trong bối cảnh khó khăn đó, các bên đều bày tỏ sự đồng lòng, nhất trí chung tay chia sẻ, vì lợi ích chung, của cả khách du lịch, nhà cung ứng dịch vụ và nhà sử dụng dịch vụ, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để ứng phó với tình hình hiện nay cũng như phục hồi sau này.
Đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, tình hình rất khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã thể hiện sự chủ động chuẩn bị những giải pháp, kịch bản đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đã đóng góp rất tích cực nhiều ý kiến thiết thực, có ý nghĩa quan trọng để giải quyết vấn đề trước mắt và lâu dài.
Các ý kiến đã bám sát 2 chủ đề quan trọng mà Hội nghị hôm nay đặt ra, đó là tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp trong việc hoãn, hủy tour du lịch, dịch vụ du lịch và bàn về phương án, giải pháp phục hồi du lịch trong thời gian tới.
Về việc hoãn, hủy tour, hiện nay các doanh nghiệp lữ hành đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn trả tiền đặt cọc dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, rất mừng là tại hội nghị các ý kiến của các hãng hàng không, các tập đoàn đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí, khách sạn bày tỏ sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, tạo điều kiện đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng sử dụng dịch vụ. Đây là yếu tố căn bản để các bên cùng vượt qua khó khăn, phục hồi trong thời gian tới.
Về việc phục hồi du lịch, các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cũng nhất trí cần nghiên cứu xây dựng chương trình kích cầu giai đoạn 2 sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong lúc này, các doanh nghiệp cần tập trung hoàn thiện các dịch vụ, phát triển thêm sản phẩm mới. Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng chương trình kích cầu du lịch trong giai đoạn tới.
Trên tinh thần đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị một số nội dung quan trọng cần triển khai sau hội nghị này.
Về giải pháp trước mắt, ưu tiên số 1 hiện nay là các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục là bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch để có những hành động, kế hoạch linh hoạt phù hợp. Các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không, doanh nghiệp vận chuyển, lưu trú và các đơn vị cung ứng du lịch cần bắt tay giải quyết tốt các vấn đề đặt cọc, hoãn, hủy tour của khách du lịch.
Tổng cục trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh với nhiều tình huống bất khả kháng, đây là thời điểm các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch cần có sự chung tay chia sẻ khó khăn, thiệt hại với nhau vì mục tiêu lâu dài, phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác theo đúng bản chất của ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp.
Các cơ quan quản lý du lịch các địa phương, các Hiệp hội Du lịch cần tiếp tục phát huy vai trò là đầu mối các liên minh kích cầu, vận động các doanh nghiệp chung tay giải quyết các vấn đề liên quan đến đặt cọc hủy, hoãn tour nhằm kịp thời ổn định tình hình, hỗ trợ cho doanh nghiệp; đồng thời kêu gọi các hãng hàng không, cơ sở lưu trú, đơn vị cung ứng dịch vụ khác có chính sách linh hoạt, chia sẻ thiệt hại, không phạt hủy, hoãn đồng thời hoàn tiền đặt cọc cho doanh nghiệp lữ hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành thanh toán với khách du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành có chính sách linh hoạt, thuyết phục khách hàng thông cảm, dời tour hoặc đổi tour sang thời điểm hoặc điểm đến khác không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Về giải pháp lâu dài, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của các cấp về phòng chống dịch, đồng thời chủ động triển khai các hoạt động du lịch an toàn, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế do dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch an toàn theo hình thức mới, áp dụng công nghệ số, nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch mới, an toàn, phù hợp với tình hình.
Về các cơ chế, chính sách hỗ trợ, trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Tổng cục Du lịch sẽ tổng hợp, tiếp tục tham mưu cho Bộ VHTTDL kiến nghị, đề xuất Chính phủ xem xét cho phép triển khai và áp dụng các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch theo nội dung các văn bản đã trình Chính phủ tại Công văn số 1156/BVHTTDL-TCDL ngày 19/3/2020, Công văn số 1399/BVHTTDL-TCDL ngày 09/4/2020. Trong đó tập trung đề xuất chính sách hỗ trợ, điều kiện cho doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định các hoạt động du lịch về lâu dài như cho vay lãi suất ưu đã để trả lương nhân viên; gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT; cho phép áp dụng chính sách giảm giá điện bán lẻ cho ngành sản xuất đối với các cơ sở lưu trú du lịch, giảm tiền điện cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch được dùng để cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19 đến hết năm 2020 thay vì chỉ 03 tháng như hiện nay.
Trung tâm Thông tin du lịch