Thừa Thiên Huế: Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở lưu trú
Lực lượng y tế kiểm tra hành khách và phòng, chống dịch tại chốt ga Huế
Dù hiện nay, lượng khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn rất ít nhưng Sở Du lịch vẫn thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương cơ sở để kiểm tra công tác lưu trú, khai báo y tế cũng như việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch, tính đến ngày 6.8 chỉ có 159 khách đang còn ở tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng rất ít khách nên việc giãn cách cũng thực hiện nghiêm túc. Những ngày qua, ngành du lịch thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để rà soát, kiểm tra các cơ sở lưu trú về việc thực hiện khai báo y tế, các biện pháp phòng, chống dịch đồng thời nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép đang lưu trú trên địa bàn. Riêng với các homestay, ngành du lịch đã yêu cầu các cấp chính quyền và lực lượng công an thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ. Tại các cơ sở lưu trú này chưa triển khai phần mềm khai báo y tế điện tử nên thời gian qua, việc kiểm soát chưa chặt chẽ như ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Loại hình kinh doanh homestay nhiều năm trở lại đây phát triển khá mạnh, nhưng lại do địa phương các cấp quản lý, việc đăng ký kinh doanh ngành nghề ở Sở Du lịch không còn bắt buộc nên ngành du lịch khó kiểm soát.
Công tác rà soát, quản lý chặt chẽ homestay trên địa bàn, ngoài kiểm tra số lượng khách, còn có công tác triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Số lượng khách phải được cập nhật thường xuyên hằng ngày, cung cấp cho các ngành liên quan để phối hợp kiểm soát dịch bệnh. Nếu cơ sở nào không báo, sẽ yêu cầu tạm thời đóng cửa. Hiện nay, Sở Du lịch, Sở TTTT và Công an tỉnh đang gấp rút triển khai phần mềm thống kê số liệu có liên thông đến ba ngành và liên thông đến cả ngành thuế, thống kê. Các homestay bắt buộc phải triển khai phần mềm này nên chắc chắn sẽ giúp kiểm soát kẽ hở này chặt chẽ hơn.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đơn vị này đã tổ chức cách ly y tế tập trung cho hơn 2.000 trường hợp, cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú đối với hơn 10.800 trường hợp, khuyến cáo tự cách ly tại nhà và nơi lưu trú gần 10.000 trường hợp. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, UBND tỉnh cũng đã vận động nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn làm cơ sở cách ly tập trung có thu phí. Ông Lê Hữu Minh thông tin tính đến nay, có 3 đơn vị đáp ứng đầy đủ những tiêu chí trong công tác phòng chống dịch đã đăng ký làm cơ sở cách ly tập trung có thu phí, gồm: Khách sạn Điện Biên (TP Huế), Sun & Sea Resort (huyện Phú Vang) và Trung tâm Điều dưỡng người có công (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc). Sở đã làm việc chi tiết, xây dựng bảng giá dịch vụ và các thông tin chi tiết báo cáo UBND tỉnh để trình Bộ VHTTDL.
Ông Minh cho biết thêm, hiện có thêm nhiều khách sạn đăng ký làm cơ sở cách ly tập trung có thu phí nhưng ngành du lịch đang phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra, đánh giá lại, vì lo ngại cơ sở này ở quá gần khu dân cư. Đại diện ngành du lịch cũng nhận định, hiện những người trở về từ vùng có dịch chủ yếu là học sinh sinh viên, người lao động đi làm việc xa nhà nên nhu cầu để cách ly tại các cơ sở lưu trú là không lớn, tuy nhiên Sở Du lịch vẫn tiếp tục vận động các khách sạn đủ các tiêu chí, điều kiện làm cơ sở cách ly có thu phí phòng trừ trường hợp, diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Tại Thừa Thiên Huế, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh, một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Trong đợt ảnh hưởng của dịch Covid-19 trước đó, nhiều doanh nghiệp tại Huế đã bị thiệt hại nặng nề, vừa vay vốn tái đầu tư kích cầu trong vòng một tháng thì giờ tiếp tục đóng cửa.
SƠN THÙY