Hội quán Du lịch ở Đồng Tháp – chia sẻ để cùng phát triển
Nhắc đến hội quán nông dân, người ta biết ngay đến vùng đất Sen hồng Đồng Tháp; vì chỉ có Đồng Tháp mới có mô hình hội quán - nơi những người nông dân cùng ý tưởng, cùng chung chí hướng, cùng ngồi lại với nhau bàn luận, đưa ra những giải pháp để cùng nhau xây dựng, cùng nhau thụ hưởng. Đã có nhiều thành viên hội quán ở vùng đất Sen hồng này giờ đây là những chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm của Đồng Tháp vươn xa đến với bạn bè quốc tế.
Đến với thành phố Sa Đéc, du khách sẽ có những trải nghiệm thật thú vị. Ở đây cách làm du lịch rất khác so với các địa phương khác trong vùng: mỗi nhà một sản phẩm, mỗi người một cách để níu chân du khách, mỗi thành viên đều chia sẻ khách cùng nhau. Đây là những thành viên trong “Hội quán cùng nhau làm du lịch” (gọi tắt là Hội quán) ở phường Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc.
Hội quán mới chỉ được thành lập cách nay gần hai năm, lúc đầu có vài thành viên là những nhà vườn trồng hoa kết hợp làm du lịch; đến nay đã có 24 thành viên. Điều đặc biệt ở Hội quán là mỗi người một sản phẩm du lịch riêng, không ai giống ai. Nếu như có một ý tưởng, quy cách hay mô hình du lịch giống nhau thì người kia sẽ tự chuyển đổi phương án phát triển du lịch của mình để không bị trùng lặp nhau.
Trong mô hình hội quán này, có 12 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ du lịch, homestay, khách sạn, nhà hàng và các điểm tham quan du lịch như: khu vực vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy, khu cánh đồng hoa hồng và 10 hộ dân sản xuất hoa kiểng gắn với đón khách tham quan, du lịch.
Mỗi thành viên là một bản sắc du lịch riêng
Anh Trần Anh Điền, thành viên Hội quán chia sẻ: Trước kia, những thành viên chỉ biết trồng cây hoa, bán kiểng làm đẹp cho đời; thì nay những thành viên trong Hội quán đã mạnh dạn đầu tư vào loại hình du lịch cộng đồng, với mục tiêu chính là cải thiện và tăng thêm thu nhập cho gia đình mình và cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở đó, các thành viên còn nâng cao hiểu biết, giao lưu giữa những người dân địa phương và khách du lịch. Từ việc tham quan, tìm hiểu tập quán canh tác trồng hoa, sinh hoạt, trải nghiệm văn hóa, xã hội thì du khách sẽ có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường và bản sắc văn hóa cộng đồng.
“Từ khi Hội quán ra đời, tốc độ phát triển của các điểm du lịch tăng lên nhiều, bởi vì qua Hội quán người ta chia sẻ được nhiều kinh nghiệm. Thứ nhất là kinh nghiệm về khâu quản trị, tạo ra một điểm du lịch thì quản trị nó như thế nào. Thứ hai chia sẻ về khách hàng, thứ ba chia sẻ về giá trị. Tức là mỗi điểm như vậy cố gắng tạo cho mình một giá trị, một thế mạnh riêng mà không bị trùng lặp với người khác. Điểm đặc trưng của Hội quán này là mỗi thành viên là một bản sắc” - anh Trần Anh Điền cho biết.
Với phương châm “Cùng nhau xây dựng - Cùng nhau quản trị - Cùng nhau thụ hưởng”, từng thành viên trong Hội quán đều có sự tâm huyết, mong muốn phát triển theo hướng bền vững và khẳng định được thương hiệu du lịch của thành phố ngàn hoa Sa Đéc.
Ông Trần Hữu Tài, thành viên Hội quán chia sẻ: Từng thành viên phải gắn kết và chia sẻ lợi ích của dịch vụ mình với cộng đồng, tạo ra nhiều việc làm tăng thu nhập, nâng cao trách nhiệm dịch vụ. Ông Tài ví von, làm sao cho chiếc bánh phình to ra, hơn là chia nhỏ ra cho mỗi người một phần hoặc là tìm cách để mình được phần nhiều hơn. Nếu không cùng nhau chung sức vun đắp cho chiếc bánh ngày càng to và chất lượng hơn sẽ không bao giờ bền vững.
Ngôi nhà chung của các thành viên
Chủ nhiệm “Hội quán cùng nhau làm du lịch" ở Sa Đéc, ông Phan Thanh Hùng chia sẻ: Điều cốt lõi trong xây dựng Hội quán đó là “Lấy vốn văn hóa, xã hội làm nền tảng để tạo ra giá trị về kinh tế”. Đến hôm nay, Hội quán đã khoác lên mình một bộ áo mới, với sự quyết tâm đoàn kết, sáng tạo trong tư duy, trong từng sản phẩm; tạo sân chơi hữu ích, nhân rộng thêm thành viên cùng nắm tay nhau để làm giàu cho bản thân và mọi người. Qua đó, góp phần xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại thành phố Sa Đéc trở thành 1 trong 10 làng văn hóa du lịch của cả nước; cùng chung tay với chính quyền địa phương xây dựng Sa Đéc là một thành phố du lịch thân thiện, hào sảng, mến khách và chuyên nghiệp.
Hội quán đang ngày càng khẳng định vai trò của mình góp phần vào quảng bá, xây dựng hình ảnh của thành phố ngàn hoa Sa Đéc. Để bảo vệ và phát huy thành quả đã đạt được, Hội quán đã và đang hướng đến xây dựng mối liên kết giữa các thành viên và bà con cộng đồng xung quanh gắn chặt hơn, đồng thời là đối tác tin cậy của các nhà đầu tư cùng chí hướng, có tiềm năng xây dựng ngôi nhà chung trên nền Hội quán có tính chiều sâu và bền vững.
Chủ nhiệm Hội quán Phan Thanh Hùng chia sẻ thêm: “Với vai trò chủ nhiệm, mình phải cân bằng lợi ích giữa các thành viên, như vậy chúng ta mới phát triển bền vững và lâu dài. Đây là trăn trở nhất của tôi cũng như các thành viên. Mọi việc chúng ta sẽ cùng nhau bàn, cùng nhau làm để cân bằng lợi ích tập thể và mọi người được hưởng lợi. Nếu như chia nhỏ lợi ích hoặc lợi ích không đồng đều sẽ ảnh hưởng đến ngôi nhà chung của mình”.
Có dịp ngồi nghe các thành viên trong Hội quán họp bàn, giãi bày tâm sự thì mới thấy hết được sự tâm huyết, nhiệt thành của từng thành viên, góp ý để cùng nhau xây dựng, vun đắp vì sự phát triển chung. Công việc ai cũng bận rộn, nhất là những dịp Tết đến, xuân về. Người thì công việc bán hoa, kiểng, người thì bận trang trí khu du lịch hay người thì lo cơm áo, gạo tiền cho công nhân đón một cái Tết đầm ấm, sum vầy. Xuyên suốt câu chuyện về Hội quán mới thấy, sự sẻ chia của từng thành viên đều mang những ý tưởng, dự định hay hướng đi trong năm tới, và sự đoàn kết, thống nhất vì lợi ích chung của ngôi nhà.
Năm qua, dịch bệnh Covid–19 đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực du lịch, nhưng từng thành viên trong Hội quán đã tận dụng cơ hội để chỉnh trang, nâng cấp các điểm du lịch, nhằm đón du khách đến với thành phố ngàn hoa trong năm mới. Nét đặc trưng rất riêng của Đồng Tháp với mô hình Hội quán đã lan tỏa, mang lại lợi ích thiết thực, cùng nhau vun đắp, cùng nhau xây dựng thương hiệu và cùng nhau thụ hưởng để quảng bá hình ảnh, con người vùng đất Sen hồng Đồng Tháp đến với mọi người dân trên cả nước./.