Hoạt động của ngành

Hội thảo trực tuyến “Triển vọng du lịch Việt Nam - Ấn Độ hậu Covid-19”

Cập nhật: 18/09/2020 15:30:56
Số lần đọc: 1131
(TITC) - Nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp du lịch hai nước giữ cầu nối và liên tục thông tin đến du khách Ấn Độ về Việt Nam, ngày 17/9/2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Triển vọng du lịch Việt Nam - Ấn Độ hậu Covid-19”.

Toàn cảnh hội thảo trực tuyến

Tham dự hội thảo trực tuyến có ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; các Hiệp hội du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng Ấn Độ, các doanh nghiệp du lịch của Ấn Độ và Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, năm 2019, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức 6 roadshow du lịch và Tháng Việt Nam với hơn 35 hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư, thương mại, văn hóa Việt Nam tại Ấn Độ. Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đã có đường bay thẳng kết nối Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với Delhi và Mumbai.

Nhờ sự quảng bá đa dạng và kết nối đường bay thẳng, lượng khách du lịch Ấn Độ tới Việt Nam trong năm 2019 đã đạt 169.000 khách, tăng 27,7% so với năm 2018.

Cũng trong năm 2019, nhằm tìm ra những khía cạnh khai thác du lịch mới, biến Việt Nam thành điểm đến tổ chức đám cưới sang trọng, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã xúc tiến hai đám cưới của các gia đình tỷ phú Ấn Độ tới Phú Quốc (3/2019) và Đà Nẵng (11/2019). Sứ quán cũng thúc đẩy tổ chức sự kiện tôn giáo Hindu tại Phú Quốc với sự tham dự của 1.000-1.400 người. Năm 2019, lượng khách du lịch Việt Nam tới Ấn Độ đạt 25 nghìn người, tăng cao so với mức 15,6 nghìn người năm 2016.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu tại hội thảo

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng đã thúc đẩy các hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm tăng cường trao đổi khách 2 nước. Năm 2020 dự kiến sẽ bùng nổ hợp tác du lịch Việt - Ấn, nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đại sứ quán chỉ thúc đẩy được các chuyến bay đưa doanh nhân và chuyên gia Ấn Độ tới Việt Nam.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, do dịch bệnh tại Ấn Độ diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh nên hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để tái kết nối du lịch hai nước nhưng đây là cơ hội để hai bên tìm hiểu kỹ hơn, chuẩn bị cho các kế hoạch kích cầu du lịch khi điều kiện cho phép. Ông cũng hi vọng thông qua buổi hội thảo, các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn hai bên có thể kết nối với nhau và có những hợp tác thực chất.

Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, Việt Nam trở thành điểm đến ngày càng phổ biến hấp dẫn khách du lịch Ấn Độ với nhiều loại hình du lịch đa dạng, trong đó có du lịch đám cưới, nghỉ dưỡng biển. Ấn Độ là điểm đến được nhiều người Việt Nam lựa chọn không chỉ với mục đích du lịch tâm linh, du lịch Phật giáo mà còn bởi nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn khác. Lượng khách du lịch trao đổi giữa hai nước ngày càng tăng, đã có đường bay thẳng kết nối các thành phố Ấn Độ và Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, làm xáo trộn toàn bộ các kế hoạch kết nối du lịch quốc tế từ tháng 3/2020. Hoạt động hợp tác du lịch, kết nối trao đổi khách Việt Nam và Ấn Độ cũng nằm trong tác động chung.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ về tình hình dịch bệnh và du lịch Việt Nam hiện nay, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch Covid-19. Chính phủ đã chỉ đạo các ngành thực hiện mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Từ tháng 5/2020, Du lịch Việt Nam triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Chương trình kích cầu du lịch nội địa đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch kích cầu nội địa  trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Phó Tổng cục trưởng cũng vui mừng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã quyết định nối lại 6 đường bay thương mại quốc tế thường lệ với 6 địa bàn từ ngày 15/9/2020. Đối tượng được nhập cảnh vào Việt Nam là người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân; người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam; và người Việt Nam ở nước ngoài về.

Việc mở cửa đợt này sẽ là cơ sở để Chính phủ tiếp tục xem xét mở rộng đối với các địa bàn và đối tượng khách trong thời gian tới khi điều kiện cho phép.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh, cơ hội phát triển hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ rất lớn, cần có sự hỗ trợ, quyết tâm và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp của hai nước để ngành Du lịch hai bên sẽ sớm vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đồng thời tin tưởng rằng với những nỗ lực chung của ngành du lịch hai nước, hoạt động du lịch nội địa và quốc tế sẽ sớm hồi phục.

Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng Ấn Độ và doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã chia sẻ về triển vọng du lịch hậu Covid-19 và tìm kiếm cơ hội trong ngành nhà hàng, khách sạn…

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục