Ðầu tư Du lịch

Huyện Bá Thước: Đầu tư hạ tầng kết nối các điểm du lịch

Cập nhật: 21/11/2019 09:26:31
Số lần đọc: 1117
Chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020, đã xác định, huyện Bá Thước nằm trong tuyến, điểm du lịch quan trọng của tỉnh. Để có được vị trí này, bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch phong phú, không thể phủ nhận, Bá Thước đang có được một lợi thế hơn hẳn các huyện miền núi.


Bản Đôn - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của huyện Bá Thước.

Đó là hệ thống hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, giúp kết nối địa phương với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Cụ thể, chạy qua địa bàn huyện có Quốc lộ 217 dài 43km và Quốc lộ 15A dài 18km. Hai trục giao thông quan trọng này vừa nối liền Bá Thước với các huyện miền núi phía Tây, trong đó, trung tâm là huyện Ngọc Lặc - đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây của tỉnh; vừa nối với các huyện đồng bằng, mà trọng điểm là TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn. Ngoài ra, từ Bá Thước cũng có thể di chuyển ra thủ đô Hà Nội, lên khu vực Tây Bắc và kết nối với nước bạn Lào.

Dựa trên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, huyện Bá Thước đã tập trung quy hoạch và xây dựng một số điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Điển hình trong đó là Khu vực Son - Bá - Mười, xã Lũng Cao, Thác Hiêu, xã Cổ Lũng, Kho Mường, xã Thành Sơn, bản Đôn, xã Thành Lâm, thác Muốn, xã Điền Quang, hang Cá, xã Văn Nho... Để khai thác hiệu quả các điểm đến này, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật là một yêu cầu tất yếu. Theo đó, trong vài năm trở lại đây, huyện Bá Thước đã tranh thủ nguồn lực ngân sách, kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như Nghị quyết 30a, Chương trình 135... để đầu tư hệ thống đường giao thông.

Cụ thể, tuyến đường 15C (dài 30km), nối Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (xã Thành Sơn), với xã Phú Lệ (huyện Quan Hóa) và huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đường vành đai phía Bắc sông Mã đã thông suốt, từ trung tâm huyện chạy tới các xã Ban Công, Tân Lập, Hạ Trung (Di tích khảo cổ Mái Đá Điều), Lương Nội, Cẩm Quý và Suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy). Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông kết nối trung tâm huyện đến các xã đạt 100%... Cùng với hạ tầng giao thông, hệ thống cấp điện cũng được đầu tư cơ bản. Hiện nguồn điện cấp cho huyện Bá Thước gồm đường dây trung thế 35kV dài 175,1 km và 113 trạm biến áp phụ tải. Đặc biệt, trên địa bàn huyện còn có 2 nhà máy thủy điện là Bá Thước 1 (công suất 80MW) và Bá Thước 2 (công suất 60MW).

Có thể nói, hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, đã giúp huyện Bá Thước từng bước khai thác được nguồn tài nguyên du lịch. Đồng thời, giúp du khách tiếp cận các khu, điểm du lịch thuận lợi hơn; cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối tour, tuyến du lịch. Đặc biệt, đây cũng là điều kiện để Bá Thước thu hút các dự án đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Bá Thước hiện mới đáp ứng được một phần nhu cầu. Hệ thống giao thông mặc dù được chú trọng đầu tư, song nhiều điểm đến vẫn chưa thể tiếp cận dễ dàng. Trong khi, giao thông đường thủy dọc sông Mã phục vụ du lịch chưa phát triển (chưa có bãi đỗ xe, bến thuyền, biển chỉ dẫn, trung tâm thông tin du khách...). Ngoài ra, hệ thống viễn thông, nước sạch, hệ thống xử lý rác thải, nước thải... cũng chưa được đầu tư thỏa đáng.

Trước thực trạng trên, trong định hướng phát triển du lịch những năm tới, huyện Bá Thước sẽ chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào hệ thống hạ tầng, vừa phục vụ dân sinh, vừa phát triển du lịch. Cụ thể là hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối với giao thông đường thủy, gồm các bến tàu, bến thuyền đến các điểm du lịch cộng đồng. Đồng thời, xây dựng các bãi đỗ xe, khu tiếp đón du khách tại các điểm du lịch cộng đồng, có tiềm năng phát triển nổi trội. Bên cạnh đó, bảo đảm nguồn điện lưới ổn định, nhất là các tháng hè và nguồn nước sạch cho các điểm du lịch cộng đồng. Ngoài ra, các dịch vụ viễn thông, internet phục vụ khách du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch; hệ thống xử lý rác và vệ sinh môi trường, cũng sẽ được địa phương chú trọng đầu tư./.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT