Ðầu tư Du lịch

Lào Cai: Điểm hẹn của các nhà đầu tư

Cập nhật: 07/02/2020 09:40:53
Số lần đọc: 950
Lào Cai xếp thứ 12 trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, duy trì vị thế số 1 trong các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc về môi trường đầu tư kinh doanh. Lào Cai được nhận định là “điểm hẹn” của các nhà đầu tư khi tiếp tục thu hút được nhiều dự án chất lượng, giá trị cao.


Quần thể Sun World Fansipan Legend.

Khu đô thị cao cấp The Manor thuộc phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án đã hoàn thiện giai đoạn 1 gồm 441 căn biệt thự liền kề và nhà phố thương mại. Dãy biệt thự sang trọng giữa vườn cây và hoa xanh mướt. Tên phố được đặt theo những loài hoa như Bích Đào, Hoàng Lan, Đỗ Quyên… Khu phức hợp thể thao hiện đại với bể bơi, phòng tập gym, yoga… Đây là khu căn hộ cao cấp hàng đầu Lào Cai, trở thành môi trường sống lý tưởng mà nhiều người mơ ước. Chị Trần Minh Huyền ở phố Bích Đào cho biết: Cư dân ở đây được hưởng điều kiện sống tốt, an ninh đảm bảo, đầy đủ tiện nghi và môi trường sống trong lành.

Những năm gần đây, Lào Cai là điểm hẹn của nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn như các tập đoàn Bitexco, Sun Group, Vingroup, FLC, Kosy… với các dự án nghìn tỷ. Nhận định chung của hầu hết các nhà đầu tư khi đến với Lào Cai là họ luôn nhận được sự ưu đãi về đầu tư xây dựng, đất đai và cả đào tạo nhân lực. Ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sa Pa Lào Cai (thành viên của Tập đoàn Bitexco) khẳng định: Trong triển khai các dự án, tỉnh Lào Cai luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp từ hồ sơ đến các thủ tục pháp lý về thuế, hỗ trợ doanh nghiệp đấu nối hệ thống hạ tầng điện, nước, công trình giao thông.

Với vị trí địa lý đặc thù, các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc có nguồn lực hạn chế không phải là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, song trên bản đồ Tây Bắc, Lào Cai vẫn là điểm sáng. Trong giai đoạn 2015 đến nay, Lào Cai đã thu hút 184 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 35.200 tỷ đồng. Năm 2018, tỉnh cấp mới 27 dự án với tổng vốn đầu tư 4.286 tỷ đồng và trong 9 tháng năm 2019 cấp mới 22 dự án có tổng vốn đầu tư 4.263 tỷ đồng. Trong đó có 156 dự án đầu tư trong nước, 28 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 506 triệu USD. Các dự án đầu tư trên địa bàn trải đều ở các lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ chiếm 33,7%; khai thác và chế biến sâu khoáng sản chiếm 30%; thủy điện chiếm 22%; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 12,5%... Nhiều dự án có tổng vốn đầu tư lớn như dự án Công viên văn hóa Mường Hoa với tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng; dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao Accor với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng; Cụm dự án Thủy điện Bảo Nhai có tổng vốn đầu tư 1.078 tỷ đồng.

Lào Cai đã khai thác tốt các lợi thế riêng để trở thành điểm đến thành công của các nhà đầu tư. Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị, đóng vai trò trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cầu nối, “cửa ngõ” không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và miền Tây Nam Trung Quốc. Lào Cai có hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, liên quốc tế gồm: Đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy và tương lai gần có đường hàng không. Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai với tổng diện tích gần 16.000 ha là 1 trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ đầu tư với kết cấu hạ tầng, dịch vụ tương đối đầy đủ. Tỉnh còn có lợi thế phát triển du lịch do sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, nhiều vùng có “khí hậu ôn đới trong lòng đất nước nhiệt đới” như khu du lịch Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát. Ngoài ra, tỉnh có thế mạnh trong phát triển công nghiệp do có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn như apatit, sắt, đồng… cùng với hệ thống nhà máy luyện kim, sản xuất phân bón, hóa chất quy mô lớn, hiện đại.

Lào Cai cũng hiểu rằng, là tỉnh miền núi Tây Bắc nhiều khó khăn, muốn hấp dẫn nhà đầu tư thì mấu chốt là phải quyết liệt cải cách hành chính. Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Trong những năm qua, Lào Cai đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong triển khai các dự án trên địa bàn. Song song với đó, tỉnh không ngừng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, giao thông, tập trung vào một số dự án lớn như Cảng Hàng không Lào Cai, đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa; giữ vững cam kết đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”. Tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn, thủ tục pháp lý, tiếp cận đất đai… cho nhà đầu tư. Ngược lại, đây là giai đoạn Lào Cai vừa thu hút đầu tư nhưng lại đặc biệt quan tâm đến chất lượng các dự án, do đó kiên quyết thu hồi và xử lý các dự án chậm tiến độ, các dự án làm ảnh hưởng đến môi trường cũng như đời sống dân sinh.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh Lào Cai năm 2019, UBND tỉnh Lào Cai đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với nhiều nhà đầu tư lớn như các tập đoàn: Sun Group, Bitexco, Alphanam, FLC, TH, Geleximco, TNG... Các tập đoàn trên cam kết đầu tư hơn 110.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ đô la Mỹ) vào tỉnh Lào Cai trong giai đoạn tiếp theo ở các lĩnh vực: Phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; du lịch nghỉ dưỡng phân khúc cao cấp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… qua đó tạo động lực quan trọng để Lào Cai phát triển trong giai đoạn tới. Với những kết quả thu hút đầu tư đạt được trong năm 2019 cùng với chính sách tiếp tục cải cách hành chính, đồng hành với doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông trong tương lai, Lào Cai luôn là điểm hẹn lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT