Hoạt động của ngành

Huyện Quan Hóa giữ gìn nhà sàn truyền thống đồng bào Thái, Mường

Cập nhật: 16/06/2020 10:38:28
Số lần đọc: 894
Theo thống kê, huyện Quan Hóa có 7.368 ngôi nhà sàn trong tổng số 11.141 nhà ở (chiếm tỷ lệ 66,1%). Theo thời gian, những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái, Mường trên địa bàn huyện Quan Hóa có nhiều thay đổi về cấu trúc và vật liệu. Phần lớn người dân sử dụng vật liệu như xi măng, sắt, ngói để thay thế cho vật liệu truyền thống như gỗ, luồng.


Nhà sàn của đồng bào Thái, Mường huyện Quan Hóa.

Cách trang trí trong, ngoài nhà sàn cũng có những thay đổi để phù hợp với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt nhưng không làm mất đi bản sắc của ngôi nhà sàn truyền thống.

Tuy nhiên hiện nay, với sự tác động kinh tế thị trường và sự giao thoa văn hóa đang làm không gian văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số biến đổi. Nằm trong dòng chảy đó, nét đẹp văn hóa nhà sàn cũng đang bị mai một theo thời gian.

Nhận thấy rõ những bất cập trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa đã ban hành Nghị quyết số 12 ngày 12/5/2018 về “Giữ gìn, phát huy nhà sàn truyền thống và văn hóa nhà sàn của đồng bào Thái, Mường huyện Quan Hóa”.

Mục tiêu của nghị quyết là nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Thái, Mường huyện Quan Hóa nói riêng trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; biết trân trọng, giữ gìn và phát huy nhà sàn truyền thống và văn hóa nhà sàn của dân tộc mình. Bảo tồn, trùng tu nhà sàn cổ, nhà sàn lâu năm còn lại trên địa bàn huyện; xây dựng cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát huy nhà sàn truyền thống, khắc phục hiện tượng “chảy máu nhà sàn”. Gìn giữ, phát huy nhà sàn truyền thống và văn hóa nhà sàn gắn với xây dựng nông thôn mới, với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân...

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, huyện Quan Hóa đã thực hiện một số giải pháp, trong đó quy hoạch làng, bản theo hướng bố trí dân cư có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; kiểm kê, lập hồ sơ tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống nhà sàn của đồng bào Thái, Mường nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của ngôi nhà sàn trong cộng đồng, trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa nhà sàn, gắn với các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, chú trọng đến nguyên tắc “bảo tồn sống” tức là bảo tồn nhà sàn ngay chính trong đời sống cộng đồng. Xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng vừa bảo tồn, phát triển được nhà sàn và văn hóa nhà sàn, vừa không làm cạn kiệt tài nguyên rừng, phù hợp với việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, con người mới; khuyến khích phát triển nghề dựng nhà sàn của các nghệ nhân ở địa phương...

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục