Non nước Việt Nam

Khai hội đình Trà Cổ 2019

Cập nhật: 03/07/2019 13:51:41
Số lần đọc: 904
Sáng 3/7 (tức 1/6 âm lịch), TP. Móng Cái long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội đình Trà Cổ năm 2019. Lễ hội đình Trà Cổ năm nay thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, du khách.


Gióng trống khai hội đền Trà Cổ 2019

Đình Trà Cổ là một trong những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của TP Móng Cái đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1974. Đây là một trong những ngôi đình có bề dày lịch sử về văn hóa và kiến trúc độc đáo và được xây dựng từ thời Hậu Lê, tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ (Móng Cái). Đình Trà Cổ được xem là một trong những cột mốc văn hóa thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.

Lễ hội đình Trà Cổ được khôi phục từ năm 1993 và được tổ chức thường niên (từ ngày 29/5 – 3/6 âm lịch), là dịp để tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân, các vị anh hùng dân tộc đã có công dựng làng, lập ấp, đánh đuổi giặc ngoại xâm; giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá tới du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng về các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của đình Trà Cổ.

Đặc biệt, tục thi Ông Voi là nét độc đáo riêng có của Lễ hội đình Trà Cổ, thể hiện sâu sắc ước nguyện về cuộc sống ấm no của người dân nơi đây; đồng thời khẳng định nét đẹp văn hóa của cư dân Việt. Theo tục lệ, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp làng để chọn ra 12 người, gọi là “cai đám”, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Đáng chú ý, cho dù hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi người chỉ được vinh dự làm cai đám một lần trong đời. Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một con lợn. Sau khi mua về nhà, con lợn này được gọi là “ông Voi”, được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ màn để tránh muỗi và được quý trọng.

Lễ hội đình Trà Cổ diễn ra với phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm nhiều nghi lễ truyền thống, như: Lễ rước kiệu nghênh thần, rước cây đèn thần và mâm hoa quả, đóng cây cai đám, gọi sổ bìa xanh, lễ chùa Vạn Linh Khánh và đền Thánh Mẫu, lễ rước cỗ của các ông Đám đương nhiệm, lễ đại tế, lễ cất cây cai đám, gọi danh sách ông Đám mới.... Phần hội có nhiều hoạt động sôi nổi, như: Chấm thi “ông Voi”, cờ tướng, kéo co, nhảy bao bố…

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT