Độc đáo lễ hội múa trống của đồng bào người Giáy
Già làng Châu Văn Pênh bên cạnh chiếc trống thiêng của đồng bào người Giáy. Ảnh: TL
Tiếng trống của tình đoàn kết
Bản Tát Ngà, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Giáy, vẫn còn giữ được cho mình những nét đẹp hoang sơ, những bản sắc, phong tục tập quán riêng khác biệt và độc đáo.
Dưới sự chỉ dẫn của người hoa tiêu dẫn đường, chúng tôi đã tìm tới nhà của già làng Châu Văn Pênh.
Sau chén rượu ngô thơm nồng, cay xè nơi đầu lưỡi, chúng tôi được nghe già làng Pênh kể cho nghe về những nét đẹp độc đáo trong phong tục, tập quán của đồng bào người Giáy ở xóm Tát Ngà nói riêng và trong công đồng người Giáy ở Hà Giang nói chung.
Trong số đó, lễ hội múa trống được xem là một trong những nét đẹp văn hóa độc đáo nhất của đồng bào người Giáy. Theo lời của già làng Pênh, lễ hội múa trống thường được tổ chức vào mỗi dịp lễ tết hoặc khi có lễ hội trong bản làng.
Vào đêm ngày 30 Tết mỗi năm, tức thời khắc giao thừa, cả bản làng sẽ tập trung tại nhà cộng đồng, cùng mổ lợn và mang những vò rượu ngô nguyên chất, ngon nhất tới miếu thờ thành hoàng làng. Đây được xem là chốn linh thiêng nhất của người dân thôn bản để cầu mong cho một năm mới an khang thịnh vượng, sung túc và an vui.
Sau nghi thức làm lễ, tất cả bà con sẽ tập trung quay quần bên nhau trong không gian ấm cúng của ngôi nhà cộng đồng, cùng mời nhau những chén rượu ngô thơm nồng, gửi tới nhau những lời chúc tụng tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới sang. Đấy cũng là dịp hiếm hoi những người con đi làm ăn xa quê hương trở về với quê cha đất tổ, xum họp cùng với bản làng.
Sau khi đã ăn uống no say, tất cả mọi người sẽ cùng nhau ra miếu thiêng, xin phép thánh thần cho được mang chiếc trống thiêng, biểu tượng của dân làng tuần hành khắp nơi trong bản. Khi đến mỗi nhà hộ dân nào đó, những nam thanh, nữ tú được lựa chọn đại diện cho bản làng, sẽ dùng chiếc dùi đánh vào chiếc trống thiêng. Những tiếng trống vang lên đồng nghĩa với những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho mọi người trong gia đình mà chiếc trống ghé thăm.
Ông Pênh chia sẻ thêm: “Trong thời khắc thiêng liêng đó, tất cả mọi người đều hò reo, khoác vai nhau, vui lắm! Tiếng trống chẳng khác nào một biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc”.
Nét đẹp văn hóa
Chiếc trống của người Giáy có hình trụ cao khoảng 1m, đường kính khoảng 70cm. Trống thiêng thường được làm từ một khối gỗ hình trụ, được những người có uy tín ở trong bản làng chọn lọc rất kĩ lưỡng, sau đó được các chàng trai khỏe mạnh, khéo tay đục đẽo cho rỗng ruột. Mặt trống thường được làm từ chất liệu da trâu, khá bền. Mỗi khi gõ vào mặt trống, âm thanh sẽ to, trong và vang xa.
Trong tâm niệm của đồng bào người Giáy ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang, chiếc trống luôn được xem là một linh vật thiêng liêng, bảo hộ cho cuộc sống của cả bản làng. Nếu không được sự cho phép của thánh thần, trống không bao giờ được mang ra đánh.
Trống thiêng tuy là tài sản không thuộc quyền sở hữu của riêng ai, nhưng dù là người có quyền lực nhất ở địa phương đó cũng không được tự tiện mang trống ra để sử dụng.
Lễ hội múa trống của người Giáy chỉ được tổ chức một lần duy nhất nhất trong năm – trong thời khắc giao thừa. Bởi theo quan niệm của đồng bào người Giáy, đây là thời điểm đất trời giao thoa, lòng người hạnh phúc. Khi đó, những tiếng trống vang lên tượng trưng cho những lời cầu mong một năm mới sung túc, hạnh phúc, vui tươi của mọi người sẽ được thánh thần nghe thấy. Sau dịp đó, chiếc trống sẽ lại được mang về để ở miếu thiêng và bất khả xâm phạm.
Trong đêm múa trống, sẽ có 7 cặp trai gái còn rất trẻ tuổi đại diện cho dân làng, hát những làn điệu truyền thống của đồng bào người Giáy. Người con gái sẽ vỗ nhẹ vào lưng trống, trong khi người con trai sẽ được dùng dùi để gõ vào mặt trống, để cầu mong may mắn đến với tất cả mọi người.
Nói về việc giữ gìn nét đẹp văn hóa này, già làng Pênh bỗng trầm ngâm, nét mặt thoáng buồn cho biết, đa phần các chàng trai, cô gái trong đội văn nghệ đã đi làm ăn xa quê hương, chỉ có dịp Tết mới có trở về quay quần với bản làng.
Trong những năm gần đây, do xã hội ngày càng phát triển, nhiều người trẻ mải chạy theo công việc mưu sinh mà quên đi việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét đẹp, bản sắc của dân tộc mình. Múa trống cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Giờ đây lớp trẻ có rất ít người tham gia, thay thế vào đó chủ yếu là những người có uy tín trong bản làng - những người vẫn hàng ngày, hàng giờ tâm niệm, dù cuộc sống có đổi thay thế nào đi chăng nữa, thì vẫn quyết gìn giữ lấy những nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc mình.