Non nước Việt Nam

Độc đáo tục đón Vua về làng ăn Tết ở Phú Thọ

Cập nhật: 20/06/2019 15:11:29
Số lần đọc: 1075
  Trong rất nhiều phong tục cổ của nhân dân làng Vi - Trẹo được bảo lưu từ thời Hùng Vương đến nay, phải kể đến tục “Đón vua về làng ăn tết”. Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng phản ánh đời sống văn hóa, phong tục tập quán của nhân dân ta từ thời đại Hùng Vương. 

Tục truyền rằng, Vua Hùng thứ 18 vì không có con trai nối nghiệp, bèn truyền ngôi cho Sơn Tinh ở núi Tản. Sơn Tinh từ chối không nhận, khuyên Vua Hùng nhường ngôi cho Thục chúa bộ chủ Ai Lao, vốn là dòng dõi Vua Hùng. Sau khi nhường ngôi cho Thục Vương, Hùng Vương thứ 18 trở về núi Nghĩa Lĩnh. Nhân dân hai bên sông Hồng và sông Lô đều muốn mời vua về ăn tết cùng, Vua phán rằng: Ta xem đêm nay bên nào có gà gáy, chó cắn gần hơn ta sẽ về bên ấy. Dân làng Vi - Trẹo bàn nhau vào gần chân núi hạ trại, chuẩn bị kiệu rước, tàn, lọng, cờ quạt và mang theo mấy con gà, mấy con chó, đêm thỉnh thoảng trêu chó cắn, đến giờ gà đua nhau gáy. Kết quả là Đức Vua về ăn Tết với làng Vi - Trẹo để thực hiện lời hứa. Vua cùng các quan cưỡi voi, ngựa đến Tràng Đính (nay là đỉnh rước vua), dân mời đức vua xuống voi, lên kiệu rước về làng ăn tết. Hôm ấy là 25 tháng Chạp.



Hai thôn Vi - Trẹo xưa kia vốn chung một làng (có tên cổ gọi là làng He). Sau nhiều năm làng He được tách thành ba làng: Làng Cả, làng Trẹo, làng Vi. Cả ba làng đều thờ chung thành hoàng làng là Vua Hùng. Làng Cả (còn gọi Cổ Tích nay thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì) lập đền Thượng và đền Giếng. Thôn Trẹo và thôn Vi có ngôi đình chung là đình Cả và lập đền Trung trên núi Hùng để thờ các Vua Hùng. Khoảng thế kỷ XVI, hai thôn tách ra và làm tại mỗi thôn một đình; làng Vi làm đình Đông, làng Trẹo làm đình Triệu Phú và đều thờ chung 18 đời vua Hùng như ở Đền Hùng. Thế kỷ XVIII, dân làng Vi đã lên lập đền Hạ để thờ các Vua Hùng như ngày nay. Từ đấy về sau này, tục lệ chỉ có 3 làng này mới được cử người hàng năm lên núi Nghĩa Lĩnh để làm thủ nhang tại các đền trên núi; đồng thời 2 làng Vi - Trẹo cùng có tục Rước Vua về ăn Tết vào những ngày cuối tháng Chạp, cùng nhau tổ chức rước Chúa gái và các lễ hội của làng.

Ngày 25 tháng Chạp là ngày lễ chính. Vào ngày này, dân làng chuẩn bị kiệu, lễ vật, ô lọng chu đáo, cờ quạt rợp trời đến bãi rước vua để đón vua về ăn tết. Theo ông Đào Văn Thắng (thủ từ đình Cả) kể lại, tục xưa dân làng rước kiệu đến ngã ba đầu vào thôn Trẹo thì dừng lại ở đó, chờ đợi. Khi đám rước bài vị đức Vua từ Đền Hùng về đến ngã ba tập kết, các bậc cao niên trong Ban khánh tiết của làng chưa cho dân làng rước vua về ngay. Đoàn rước phải chờ khi nào gió quanh bãi rước đổi hướng, cờ đổi hướng bay, thì lúc đó đoàn rước sẽ rước kiệu vua về đình. Đó là lệ thiêng, nếu chưa đổi gió thì dân làng thay nhau khấn vái, bao giờ có gió đổi chiều mới được rước vua về đình Cả để tế lễ. Kể từ ngày đón vua về đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng, dân làng đều tổ chức lễ tiệc: Đêm 30 tháng Chạp, rạng ngày mùng 1 tháng Giêng: Tổ chức lấy tiếng hú;  ngày mùng 2: Lấy thịt lợn trộn đỗ xanh làm nhân bánh (gọi là tục lợn hèm); ngày mùng 4: Tổ chức chạy địch, săn lợn; ngày mùng 5,6: Tổ chức trò Trình nghề, bách nghệ khôi hài; ngày mùng 7: Rước voi mã, ngựa mã từ đình Vi, Trẹo về đình Cả; ngày mùng 8: Rước chúa Gái. 

Ngày này, dân làng giết gà, mổ lợn làm cỗ dâng cúng, đồng thời hóa voi mã, ngựa mã (gọi là lễ tống tiệc) để tiễn Thánh trở về núi Nghĩa Lĩnh. Từ ngày 25 tháng Chạp đến hết mùng 8 tháng Giêng, dân làng không ai lên núi Hùng, vì cho rằng vua Hùng đang ăn tết với dân làng Vi, làng Trẹo.

Trước năm 1945, người dân hai thôn Vi - Trẹo vẫn theo định lệ, hàng năm tổ chức rước vua về ăn Tết. Sau đó, do bối cảnh lịch sử và điều kiện của dân làng nên tục lệ này chỉ còn được nhắc đến qua lời kể của các cụ cao tuổi. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, dân làng mới phục dựng lại tục “Rước vua về làng ăn tết”. Năm 2010, để phục vụ cho việc xây dựng Hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã phục dựng lại tục “Rước vua về ăn Tết” và tổ chức lễ hội Rước Chúa Gái. 

Từ đó đến nay, làng Vi và làng Trẹo vẫn duy trì tục đón vua về ăn tết. Ngay từ sáng sớm ngày 25 tháng Chạp, dân làng cử đại diện, cùng theo thủ từ của đền lên đền Trung và đền Hạ cáo tế và rước vua về làng ăn Tết. Nghi lễ tế được diễn ra tại đình làng Vi và đình làng Trẹo theo phong tục truyền thống. Lễ vật dâng cúng tại đình là các thứ được chế biến từ thịt lợn, kèm theo chè kho, chuối tiêu, cam sành, mía ram và trà ngũ vị. Sau phần nghi lễ, các họ, các gia đình trong làng lần lượt vào dâng lễ. 

Tục “Rước Vua về làng ăn Tết” trong lễ hội làng He, là một trong những diễn xướng dân gian độc đáo, tiêu biểu của dân hai làng Vi - Trẹo, nhằm khắc họa lại những phong tục, truyền thống quý báu của cha ông ta từ thời Hùng Vương dựng nước đã được bảo lưu, thực hành qua nhiều thế kỷ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ./. 

 

Nguồn: baophutho.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT