Non nước Việt Nam

Độc đáo nghi lễ xua đuổi Briêng của người Ê Đê

Cập nhật: 18/06/2019 07:58:14
Số lần đọc: 1087
Trong cuộc đời của mỗi người Ê Đê, từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ đến lúc lọt lòng, lập gia đình, từ giã cõi đời rồi trở về với thế giới tổ tiên, người ta đều trải qua các nghi lễ. Một trong những nghi lễ độc đáo ấy phải kể đến nghi lễ xua đuổi Briêng trước khi sinh với mong muốn mọi thứ được thuận lợi.

Đối với người Ê Đê, khi người phụ nữ mang thai đều nhận được sự chăm sóc, thăm hỏi của mọi người, nhất là chồng và mẹ đẻ. Người mẹ luôn luôn chỉ bảo cô con gái của mình cách bảo vệ thai nhi, lo chuẩn bị các loại thuốc lá, rễ cây, hướng dẫn người mẹ trẻ tương lai nghi lễ liên quan đến sinh đẻ.

Theo Dư địa chí Đắk Lắk ghi chép, trong thời kỳ mang thai, nếu người phụ nữ khỏe mạnh bình thường thì có thể không phải tiến hành nghi lễ nào. Còn nếu mang thai được ba tháng trở lên, người phụ nữ thấy mệt mỏi hoặc bị ốm đau kéo dài thì người Ê Đê cho rằng thần ác Briêng (thần sao băng) đậu vào người phụ nữ để bắt hài nhi. Lúc đó, người ta tiến hành lễ xua đuổi Briêng.

Đồ vật cho lễ cúng kể trên gồm một ché rượu, một con chó hoặc dê, một ít bông gòn, lá cây xoan, một chiếc vòng đeo tay, bát đồng và một cái rìu. Ché rượu cột ở phía trong bếp lửa của gian khách (gah). Thầy cúng ngồi đối diện ché rượu, mặt hướng về phía Đông. Trước mặt ông ta là người phụ nữ mang thai, chân đặt lên lưỡi rìu, còn tay cầm chiếc vòng đồng. Thầy cúng tay cầm bát đồng đựng huyết con vật hiến sinh hòa với rượu, miệng cầu mong cho mẹ tròn, con vuông.

Khấn xong, thầy cúng vào dùng bông thấm huyết con vật hiến sinh hòa với rượu bôi vào chân người phụ nữ mang thai để cầu xin thần linh phù hộ cho người mẹ được khỏe mạnh, thai nhi được bình an. Tiếp đến, thầy cúng lấy lá xoan bôi huyết chó thoa lên trán và bụng người phụ nữ để xua đuổi các thần ác. Sau những hành động ma thuật của thầy bói, người phụ nữ cầm cần uống rượu rồi trao cần cho chồng. Tiếp theo là bà, mẹ, dì, chị, dăm dei, ông, bố, thầy cúng và cuối cùng là họ hàng hai bên nội, ngoại. Họ ngồi ăn uống cho tới khi nào rượu nhạt thì thôi.

Còn khi bình thường (người phụ nữ mang thai không đau ốm), người Ê Đê cũng làm lễ cầu sinh dễ đẻ. Hình thức cũng tương tự như lễ xua đuổi Briêng. Sau lễ này, người phụ nữ phải ra suối tắm rửa, tẩy uế sạch sẽ, sau đó phải ở trong nhà ba ngày. Những đồ dùng trong ngày lễ (chăn chiếu, váy áo) của người phụ nữ mang thai bị coi là có ma xấu nên phải đem đi đốt hoặc vứt ở ngoài phạm vi buôn làng. Như vậy, mọi người đều tin rằng, người phụ nữ sẽ sinh đẻ dễ dàng và đứa con sẽ được mạnh khỏe.

Trong thời gian người phụ nữ mang thai, vì sợ lúc sinh đẻ gặp khó khăn nên người Ê Đê còn có rất nhiều điều kiêng kỵ. Vợ chồng người mang thai không ăn những loại hoa quả có chất dính như mít, chuối, nhất là hoa chuối và quả chuối dính đôi, không làm những việc mà cái nọ chéo cái kia như buộc dây, đan lát, thêu dệt. Người ta kiêng như vậy là muốn tránh cho người phụ nữ khi sinh không bị sát thai.

Người phụ nữ mang thai còn kiêng ăn thịt khỉ (sợ con mình cũng nghịch ngợm, phá phách như khỉ), không ăn thịt beo, thịt hổ (sợ con hung hăng, khó dạy như hổ), không ăn thịt cóc (sợ con sinh ra da sần sùi như da con cóc). Ngoài ra, người phụ nữ mang thai không chui qua sào, dây phơi quần áo, không được đến thăm người bị đau ốm ở nhà khác hoặc nhà nào đó có tang ma. Người Ê Đê tin rằng, khi đã làm tốt các nghi lễ và các kiêng cữ trên thì người phụ nữ lúc sinh đẻ sẽ được thuận lợi.

Hiện nay, với sự phát triển của xã hội, cộng với sự chung sống đan xen giữa người Kinh và người Ê Đê, nên nghi lễ xua đuổi Briêng đối với người phụ nữ mang thai phần nào được tinh gọn, bỏ bớt nhiều nghi thức. Thay vào đó, họ đã tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám thai trước lúc sinh đẻ.

Tương truyền, thời xưa, trước khi sinh đẻ, người Ê Đê thường để sản phụ dưới gầm sàn nhà ở, gần đến ngày sinh đẻ, họ làm một cái buồng tạm dưới gầm sàn và buộc hai sợi dây từ sàn xuống để người sản phụ nắm vào. Tất cả thành viên trong nhà đều có mặt để mừng đứa trẻ ra đời. Bà đỡ ngắm đứa bé và nói: “Đây là con của tôi”, phía ngoài cửa có hai người đàn ông cầm chày chực sẵn và ném ngay dưới sàn (để ma quỷ không bắt hồn đi).

Sau đó, đứa trẻ được tắm bằng nước nấu với lá rừng rồi bọc lại trong một tấm mền, giao cho sản phụ. Sản phụ cũng được tắm bằng nước đó và được các chị em đưa lên nhà nằm gần bếp lửa. Người ta giã gừng đắp lên thân thể sản phụ để mau hồi sức và cho uống nhựa cây xà păng. Nhựa cây này có vị chua giúp cho khí huyết lưu thông mau có sữa, sản phụ phải ở cữ 10 ngày và được ăn những thức ăn sấy khô hay nấu chín thật kỹ./.

Nguồn: Báo Biên Phòng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT