Non nước Việt Nam

Đặc sắc di sản văn hóa dân tộc Dao bên sườn Tây Yên Tử

Cập nhật: 17/06/2019 09:33:53
Số lần đọc: 1018
Di sản văn hóa dân tộc Dao bên sườn Tây Yên Tử tập trung chủ yếu ở hai huyện Sơn Động và Lục Nam (tỉnh Bắc Giang). Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nơi đây gắn với phát triển du lịch sườn Tây Yên Tử là nhiệm vụ quan trọng đang được chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm.

Lễ cấp sắc của người Dao xã Tuấn Mậu (Sơn Động).

Trước hết là bảo tồn di sản tiếng nói và chữ viết. Ngày nay, trước sự giao thoa giữa văn hoá truyền thống và văn hoá, văn minh hiện đại, tiếng nói của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một, trong đó có đồng bào dân tộc Dao vùng Tây Yên Tử. Thực tế khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy thế hệ trẻ có những em không biết hoặc biết rất ít tiếng nói của dân tộc mình.

Sau tiếng nói, chữ viết của người Dao cũng dần bị mai một. Xưa nay, người Dao dùng chữ Hán để ghi chép những vấn đề liên quan đến cuộc sống. Tuy nhiên chữ Hán được người Dao đọc theo âm ngữ của mình và nó đã trở thành ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Dao. Nhờ có chữ viết, đến nay người Dao còn lưu giữ được nhiều thông tin về nguồn gốc, dòng họ, tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán tộc người, lễ Tết, hội hè... 

Nay tuy chữ quốc ngữ đã được dùng phổ thông, song chữ viết của người Dao cũng cần được bảo tồn, lưu giữ nhằm mục đích phục vụ cho đời sống văn hoá của cộng đồng và nó còn là nét văn hóa độc đáo mang bản sắc riêng của người Dao trong xã hội đương đại.

Công tác bảo tồn phát huy các di sản văn hoá như phong tục tập quán, hội hè, tín ngưỡng thờ cúng, trang phục dân tộc… của người Dao ở các xã Thanh Sơn, Thanh Luận, Tuấn Mậu (Sơn Động) cũng là việc làm rất cần thiết để thúc đẩy phát triển du lịch vùng Tây Yên Tử.

Trong đời sống tín ngưỡng, người Dao chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian và đạo giáo thần tiên, đạo Phật, Nho giáo, mặt khác lại tiếp thu tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng của người Việt như ở bản Tuấn Mậu, xã Tuấn Mậu (Sơn Động). Đây là nơi lưu giữ sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, hội hè của cộng đồng người Dao. 

Tổ tiên của người Dao là Bàn Cồ Vương, gia tiên, thứ nữa đến Thần Nông, Thổ Địa, Thái Thanh, Thượng Thanh, Ngọc Thanh, Thanh Hoàng. Ngoài cúng Tổ tiên, các vị Thần, người Dao còn có tục cấp sắc. Đây cũng là nét văn hoá độc đáo. Lễ cấp sắc chỉ dành cho đàn ông người Dao. Gia chủ mời khách, họ hàng về dự lễ ăn uống để chúc tụng người thụ lễ cấp sắc gặp được nhiều may mắn trong cuộc đời. 

Quá trình hành lễ bắt buộc thầy cúng phải mặc trang phục của dân tộc mình. Người được cấp sắc phải hoá trang khác ngày thường, người ta xâu tiền cổ, giấy đỏ, bông lúa tết lại với nhau rồi buộc tóc, đặt lên vai người được thụ sắc với ý nguyện cầu xin những điều tốt lành từ tổ tiên là đấng Bàn Cồ Vương. Quá trình thực hành nghi lễ, các thầy cúng còn hát xướng, dùng các nhạc khí trống, thanh la, sinh tiền, kiến sinh tiền nhảy múa rất sinh động và hấp dẫn. 

Lễ cấp sắc của người Dao thể hiện những điều giáo huấn được ghi trong văn bản cấp sắc cho người thụ lễ phải làm việc thiện không được làm điều ác, phải biết nhớ về gốc gác tổ tiên. Do vậy việc cấp sắc còn có tính giáo dục và rất thiêng liêng đối với người Dao.

Ngoài lễ cấp sắc, người Dao vùng Tây Yên Tử còn có những ngày lễ, Tết gắn chặt với nông lịch, mùa vụ gieo trồng mà họ đã đúc kết kinh nghiệm truyền thừa qua các thế hệ và trở thành tục lệ không thể thiếu trong vòng đời. Trong sinh hoạt lễ Tết, hội hè, người Dao có Tết nhảy “Nhìang Chầm dao” được tổ chức vào tháng Chạp trước Tết Nguyên đán vài ngày.

Nguồn: baobacgiang.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT