Non nước Việt Nam

Độc đáo vật dụng của đồng bào S'tiêng Bình Phước

Cập nhật: 07/06/2019 14:18:43
Số lần đọc: 1454
Trong lịch sử hình thành và phát triển, người S’tiêng ở Bình Phước không chỉ sáng tạo mà còn luôn ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa. Để thích nghi với điều kiện và môi trường sống, người S’tiêng ở Bình Phước bằng ý thức thẩm mỹ và đôi tay khéo léo đã sáng tạo ra nhiều vật dụng đáp ứng nhu cầu gia đình và cộng đồng. Mặc dù các vật dụng chỉ được làm từ mây, tre, nứa, lá, gỗ, lồ ô... nhưng thể hiện sự sáng tạo độc đáo của đồng bào.

Đa phần vật dụng của đồng bào làm bằng thân cây nhưng từ lúc lên rừng, làm rẫy tới mặt trời lặn, mọi người đi ngủ, thì người S’tiêng vẫn giữ nhiều vật dụng bên mình. Điều này cho thấy ý nghĩa của các vật dụng trong đời sống, tinh thần mỗi gia đình S’tiêng rất quan trọng. Nổi bật là bộ cối - chày. Tuy có hình khối đơn giản nhưng cối được làm từ những thân gỗ quý, lâu năm như sao, dầu, cẩm lai, giáng hương... với đường kính 40-50cm. Người S’tiêng làm thắt eo ở phần giữa cối, chạm khắc hoa văn hình răng cưa để trang trí; miệng được đục loe để khi giã không văng nguyên liệu ra ngoài; lòng cối sâu khoảng 30cm giúp cối chịu được lực giã mạnh. Đồng bào cũng chọn những cây không quá lớn để làm chày (chày dài khoảng 2-3m, thắt eo ở giữa vừa với nắm tay để khi sử dụng không bị mỏi tay). Đồng thời, tùy nhu cầu, bộ cối - chày sẽ được làm với nhiều kích cỡ lớn, nhỏ, bộ lớn để giã gạo, bộ nhỏ giã bắp và các thực phẩm khác.

Đến nay, người S’tiêng ở Bình Phước vẫn sử dụng những trái bầu khô. Trái được chọn có dáng đẹp, già. Sau khi hái cắt bỏ cuống, ruột, đem ngâm xuống bùn khoảng 2 tuần rồi vớt lên treo gác bếp.

Trong các vật dụng của người S’tiêng không thể không kể đến gùi có nắp và không nắp, được đan bằng mây, lồ ô... Tùy mục đích sử dụng mà gùi có nhiều kích thước. Gùi không nắp có 2 loại: mắt thưa để gùi bắp, cà, bầu, bí... và mắt dày gùi lúa khi thu hoạch. Gùi có nắp thường nhỏ, đựng tư trang khi đi chơi hoặc đựng sính lễ trong cưới hỏi. Dù có nắp hay không, gùi đều có 2 quai đeo, thân được trang trí nhiều hoa văn... Mỗi khi nhắc đến gùi, già làng Điểu Lên ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng) lại xúc động: “Trong chiến tranh, đồng bào S’tiêng dùng gùi để tiếp lương thực và tải đạn ra chiến trường. Sức bền của gùi tốt lắm, là vật dụng thân quen, yêu thích không chỉ với đồng bào mà với cả bộ đội, người Kinh”.

Trong các vật dụng cũng có nhiều loại được làm từ nguyên liệu khác nhau. Cụ thể, xà gạc của đồng bào S’tiêng được làm từ tre và sắt. Khi đi rừng, lên rẫy, bà con dùng xà gạc để phát cây mở lối và cũng là vũ khí để chống lại thú dữ nếu gặp phải. Xà gạc với đàn ông S’tiêng còn là vũ khí thể hiện sức mạnh, tinh thần dũng mãnh là một trong các lý do để xà gạc là của hồi môn cha mẹ cho con trai tại lễ cưới... Với phụ nữ, khung quay sợi, khung dệt thổ cẩm là vật dụng không thể thiếu. Đồng bào đã sáng tạo ra những bộ khung bằng gỗ, tre, sợi... để tự cung tự cấp trang phục cho bản thân, gia đình. Đến nay, nhiều phụ nữ vẫn quen, chuộng mặc quần áo bằng vải tự tay dệt nên.

Nhóm nhạc cụ dùng trong dịp lễ hội cũng rất đa dạng. Từ đàn tre 5 ống làm từ nứa lấy trong rừng, có độ dài, ngắn khác nhau, được gắn lại bằng dây vải. Trên thân ống đục các lỗ nhỏ để khi gió thổi vào tạo ra âm thanh. Hay đàn đinh-jút được chế tạo từ tre rừng, gồm một đoạn dài 30-50cm, có hai mắt hai đầu làm chốt giữ các dây đàn. Đàn đinh-jút kết hợp cồng, chiêng tạo nên không khí trang nghiêm trong các lễ hội truyền thống. Kèn môi (guốt) được các cặp trai gái dùng trong buổi hò hẹn hay biểu diễn tại lễ cột chỉ cổ tay, làm từ nhôm. “Độc đáo hơn nữa có 2 nhạc cụ là khèn bầu và độc tấu. Khèn bầu (làm từ trái bầu khô và thân cây trúc) chỉ dùng trong các ấp, sóc khi có chuyện vui. Nhạc cụ độc tấu không biểu diễn với nhạc cụ nào khác trong lễ hội, giao lưu kết bạn, là sáo pi, làm từ một ống nứa dài 20-30cm” - già làng Điểu Lên cho biết thêm.

Với trống có 2 loại là trống cái và trống cổ bồng. Trống cái làm từ thân cây mít rừng hoặc thân cây gòn già, đường kính khoảng 0,5m trở lên. Cách làm: đục ruột, phơi khô, sau đó dùng da trâu, bò rừng bịt căng làm mặt trống. Xung quanh thân cuốn dây mây rừng. Đây là nhạc cụ dùng trong các lễ hội (thường được hòa tấu với cồng, chiêng, sáo, đàn), như lễ lên nhà lúa, cầu mưa, bà Bóng; trong đám tang, cưới hỏi. Trống cổ bồng (guar) khá độc đáo, làm từ thân cây gỗ khoét rỗng ruột, dài 50-60cm. Phần đầu có miệng rỗng, hơi loe, phần giữa thắt lại. Mặt trống làm bằng da kỳ đà. Khi sử dụng tùy theo nhịp điệu để người đánh có thể đứng hoặc ngồi, một tay giữ trống, tay còn lại vỗ vào mặt trống. “Ngoài chức năng làm nhạc cụ trong sinh hoạt, trong lễ cúng bà Bóng, trống cổ bồng còn dùng để đuổi chim, sóc phá hoại mùa màng” - ông Điểu Bốp ở ấp Măng Cải, xã Lộc Thiện chia sẻ về các nhạc cụ của dân tộc mình.

Trên thực tế, các vật dụng trong sinh hoạt, lao động sản xuất, lễ hội của người S’tiêng ở Bình Phước cũng là các vật dụng phổ biến của đồng bào dân tộc thiểu số khác như Khơme, Mơnông... Tuy nhiên, hình thức, cách sáng tạo có nhiều phần không giống nhau. Hiện nay, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội có nhiều thay đổi. Các vật dụng phục vụ trong sinh hoạt, lao động sản xuất và tại lễ hội ngày càng hiện đại hơn, phong phú về chủng loại, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã đã lấn dần các vật dụng truyền thống. Tuy nhiên trong nhiều gia đình người S’tiêng ở Bình Phước, chúng ta vẫn thấy đồng bào rất yêu thích, đam mê sáng tạo để những vật dụng vốn có từ bao đời nay phù hợp với cuộc sống hiện đại./.

 

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn
Từ khóa: Bình Phước

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT