Khám phá thác Đôi ở bản Tài Chi, Quảng Ninh
Thác Đôi nằm ở bản Tài Chi, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Để tới được nơi đây, bạn phải vượt qua một cung đường xanh, quanh co uốn lượn theo tay áo dài hơn 15 cây số. Đi bộ men theo các đồi chè xanh mát ngút ngàn tới tận chân trời là bạn đã tới được thác Đôi. Từ xa đã nghe tiếng nước róc rách, lại gần là tiếng ào ào của nước đổ xuống thác, khiến cho du khách cảm thấy rất ngạc nhiên và dễ chịu, thích thú.
Nằm sâu trong những cánh rừng già, thác Đôi tung bọt trắng xóa. Thác Đôi có nhiều vẻ đẹp riêng của mình vào mỗi mùa trong năm. Mùa hạ, thác Đôi đổ nước ào ào như những chàng dũng sĩ diệt giặc. Mùa đông, thác Đôi hiền hòa như những nàng công chúa mỏng manh, đẹp lạ lùng. Mùa thu, thác Đôi như một bài hát nhẹ nhàng bay bổng và sâu lắng. Mùa xuân, thác Đôi như những chú chim hót vang trời...
Thác Đôi được bắt nguồn từ đỉnh núi Cao Ba Lanh của huyện Bình Liêu cao ngất trời. Dòng nước từ trên đỉnh núi chảy qua các cánh rừng thông, rừng cây sa mộc, rồi vượt băng qua những dãy núi cao đổ vào những thác nước rồi hòa mình cùng dòng chảy ở bản Tài Chi. Thác Đôi gồm có hai thác, với độ cao ngang nhau, khoảng từ 10 đến 15m, chia làm nhiều tầng. Thác chính có dòng chảy khoảng 2km dọc theo sườn núi và những bãi cồn nhấp nhô đã tạo nên dòng chảy tuyệt đẹp.
Nước ở đây trong xanh, mát lạnh, không khí ôn hòa, giữa là một mặt hồ phẳng lặng, nhìn như một viên ngọc bích giữa lòng thác. Đó là nơi du khách có thể thả mình xuống để thưởng thức làn nước trong xanh, tinh khiết, mát lạnh như xóa tan hết mọi ưu phiền trong cuộc sống. Xung quanh thác được bao bọc bởi những cây cổ thụ, những loại hoa rừng rất đặc trưng của vùng núi Đông Bắc Quảng Ninh càng tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết của một miền sơn cước.
Sự tích thác Đôi được những người già trong bản cho biết: “Ngày xưa, ở bản Tài Chi có một chàng trai tên Tuấn. Tuấn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với một người chú ruột của mình. Chàng trai rất chịu khó, công việc gì cũng làm. Chàng hay giúp đỡ những cụ già và mọi người trong làng. Chàng rất khỏe và có một đôi chân vững chãi như những tảng núi trong rừng già. Thuở ấy, có một con hổ trắng rất dữ, thường xuyên bắt người trong làng. Chàng trai liền từ biệt dân làng và vào rừng xanh giết hổ. Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng chàng trai cũng tới được hang hổ dữ lẩn trốn. Chàng khôn khéo và dũng mãnh vung rìu chém chết hổ dữ rồi mang đầu hổ về báo tin cho dân làng. Dân làng vui lắm!
Trong bản có một cô gái tên Mai, tính tình nết na, thùy mị. Nhiều chàng trai trong làng theo đuổi. Nhưng Mai chỉ thích và yêu chàng Tuấn. Chàng trai cũng rất yêu Mai. Hai người đã hẹn ước sẽ làm đám cưới. Không may, chàng trai đi đánh trận. Có người đưa tin về, chàng Tuấn hy sinh. Thương xót cho người mình yêu, Mai đi vào rừng sâu và hóa thành một dòng thác. Khi hết giặc, chàng trai trở về, không thấy người mình yêu đâu, nên cũng buồn và đi vào rừng sâu tìm nàng, cuối cùng chỗ chàng trai chết biến thành một dòng thác. Một điều kỳ lạ của hai dòng thác là nếu thác này không có nước, thì thác kia cũng vậy. "
Đến huyện Hải Hà, du khách không chỉ được ngắm nhìn những đồi chè xanh mướt mắt, được tham quan trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ thơ mộng của xã đảo Cái Chiên hay sự nhộn nhịp tươi mới của khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, cảnh đẹp nên thơ của những khu vườn mẫu, thôn mẫu... Một trong những điểm du lịch mới đang thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ đến tham quan, trải nghiệm đó chính là thác Đôi ở bản Tài Chi. Đến đây, du khách có thể tổ chức các buổi píc-níc cùng bạn bè, gia đình và người thân; cùng tham gia khám phá vẻ đẹp tự nhiên hoang dã của núi rừng; cùng ngâm mình dưới làn nước suối mát lạnh, nghe những bản nhạc du dương từ nước... chắc chắn sẽ tạo cho bạn cảm giác thư thái, yên bình.
Một ngày đến thác Đôi, du khách cũng có thể tham quan và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao nơi đây để tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán và nét văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc từ bao đời nay của họ để cảm nhận về cuộc sống bình dị và những nét văn hóa độc đáo nơi đây. Chị Bùi Thị Minh Tiến, du khách đến từ Hạ Long cho biết: “Tôi đã từng đến rất nhiều thác, nhưng có lẽ, thác Đôi là nơi tôi thấy đẹp và rất thơ mộng. Điều đặc biệt ở đây là sau khi tắm, trải nghiệm nét hoang sơ của thác Đôi, tôi còn được cảm nhận nét đẹp về văn hóa người Dao, những món ăn cũng rất tuyệt. Nếu có dịp, bạn hãy đến và cảm nhận về nét hoang sơ cũng như vẻ đẹp của thác Đôi”.
Thác Đôi có vẻ đẹp riêng, điều đáng nói là khi đến đây, tất cả du khách đều có cảm nhận mới lạ về một miền sơn cước hữu tình, một ấn tượng khó phai bởi vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của núi rừng biên giới. Nhiều năm nay, huyện Hải Hà đang cùng với các ban, ngành đẩy mạnh việc khai thác, quảng bá về vẻ đẹp của thác Đôi. Cùng sản phẩm đi tham quan thác Đôi với không gian văn hóa của bản người Dao, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm riêng của mình./.