Non nước Việt Nam

Tục đâm đuống của người Mường ở Phú Thọ

Cập nhật: 24/05/2019 08:17:14
Số lần đọc: 929
Đâm đuống hay chàm đuống của người Mường là hình thức diễn xướng dân gian thường được biểu diễn trong các dịp quan trọng có tính chất nghệ thuật như: Dịp Tết, hội mùa, cưới xin hay dựng nhà. Lễ đâm đuống được hình thành từ cuộc sống lao động của đồng bào dân tộc Mường trong quá trình làm nông nghiệp.

"Đuống" là chiếc máng gỗ giã lúa và "chàm" là chiếc chày giã lúa. Chiếc đuống được làm bằng một thân cây gỗ lớn, đẽo rỗng như chiếc thuyền độc mộc, chày giã lúa được đẽo từ cây gỗ nhỏ, thẳng dài như đòn gánh, giữa thân hơi thắt lại để vừa tay người. Đối với người Mường,  phụ nữ thường làm việc nhà và trồng trọt, bởi vậy, chàm đuống là việc làm thường ngày của người phụ nữ và đàn ông rất ít khi tham gia. Ngày nay, đâm đuống được đồng bào Mường ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập biểu diễn trong các lễ hội mùa xuân, Lễ hội Đền Hùng và những ngày quan trọng trong dịp lễ Tết nam giới hay du khách đến tham gia lễ hội cũng đều có thể tham gia đâm đuống để góp phần lưu giữ và giới thiệu nét văn hóa Mường đến nhiều nơi.        

Mở đầu buổi diễn, những người chuẩn bị diễn tấu sẽ đứng quanh đuống thành hai hàng theo chiều dài của thành đuống, quay mặt vào nhau, hai tay cầm vào giữa chày. Đội hình đâm đuống được chia làm hai thành phần là cái và con. Cái do một người đảm nhiệm, con do những người còn lại trong đội đảm nhiệm. Số người tham gia trong vai trò làm con là chẵn hay lẻ còn tùy thuộc vào từng bài Đuống. Khi diễn tấu đâm đuống sẽ có ba động tác cơ bản là: Giã, đập và đánh. Giã: Đâm thẳng đầu chày vào thành đuống, đập: Đập cạnh đầu chày vào thành đuống, đánh: đánh hai cạnh đầu chày vào nhau.

Với người Mường, đầu năm là mùa đâm chồi nảy lộc, vạn vật sinh sôi nảy nở; lúc này chàm đuống không chỉ là hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà còn là một việc làm mang ý nghĩa tâm linh quan trọng bởi người Mường tin rằng thực hiện đâm đuống trong những ngày Tết, tiếng đuống của người dân trong bản làng càng vang, càng rộn ràng bao nhiêu thì năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi điều may mắn sẽ đến nhiều bấy nhiêu./.

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT