Non nước Việt Nam

Lễ hội Ramưwan Ninh Thuận

Cập nhật: 20/05/2019 09:46:01
Số lần đọc: 1289
Nếu Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm Balamon, thì Ramưwan là ngày trọng đại, là lễ hội lớn nhất cho chung cả cộng đồng Chăm Bani và Islam ở Ninh Thuận.

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội Ramưwan (29, 30 tháng Tư và 1 tháng 5 theo Chăm lịch) có những nghi lễ quan trọng, đó là: Đi tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lên thánh đường. Khó có thể nói nghi thức nào quan trọng hơn, nhưng xem chừng việc đi tảo mộ ở Ghur (nghĩa trang) là hào hứng hơn cả. Vì nghi thức này được diễn ra trên một vùng đất rộng và đông đảo nhiều người tham dự. Tất cả sự tôn kính, thành khẩn của người còn sống dành cho người đã khuất đều được thể hiện ở đây. Người Chăm theo đạo Balamon hỏa táng thi hài người chết. Người Chăm Islam an táng thi hài người chết trong quan tài như người Kinh. Còn người Chăm Bani chôn người chết trong tư thế nằm nghiêng, quấn vải chứ không dùng quan tài và không đắp mộ, chỉ đặt bên trên hai hòn đá để đánh dấu. Nghĩa trang của người Chăm Bani không có lăng mộ, nấm mồ mà là những hòn đá tròn xếp thành những hàng dài.

Mở đầu cho lễ Ramưwan là lễ tảo mộ, sau khi vun vén cho ngôi mộ, thầy char (chủ lễ tế mộ) tưới nước lên ngôi mộ với ý nghĩa tẩy uế và làm cho người chết được sạch sẽ, thanh khiết hơn, sau đó họ dùng một cái tách nhỏ đựng dầu và một ít bông gòn chấm lên hòn đá, gọi là nghi thức xức dầu lên ngôi mộ. Gia đình bày biện đồ cúng, thầy char ngồi đọc kinh, trong khi thân nhân, con cháu quỳ đối diện van vái. Những người đàn ông đã qua nghi lễ Aia karak ngồi trước hàng mộ đọc kinh cầu nguyện, thỉnh mời ông bà, tổ tiên đã khuất về nhà để con cháu cúng kính. Những người phụ nữ khi đi tảo mộ đều mặc áo dài trắng, quắn khăn Brăm trắng trên đầu, dù lễ diễn ra dưới cái nắng chói chang giữa mùa Hè nhưng phụ nữ vẫn lạy và nằm úp mặt sát mặt cát nóng bỏng. Bất kể nghĩa trang có xa và đi lại vất vả, người Chăm vẫn cố gắng đi thăm viếng hết dòng tộc. Đó là một ứng xử văn hóa của người Chăm, một nghĩa cử cao đẹp tưởng nhớ về tổ tiên trong tháng Ramưwan. Đặc biệt những ngôi mộ của người Chăm Bani không có ghi dấu gì trên những hòn đá, nhưng họ vẫn tìm ra mộ người thân giữa vô số những hòn đá sắp đầy nghĩa trang. Người Chăm Bani, tuy không xây mộ và dựng bia như người Kinh, nhưng họ cũng khắc tên họ, ngày mất lên hai hòn đá hoặc đúc xi măng để ghi nhớ.

Sau lễ tảo mộ, mỗi gia đình sắm lễ vật để cúng gia tiên với nghi thức cầu khấn tên một vị thần, vị tổ tiên phù hộ an lành cho toàn gia tộc, xóm làng. Trong mỗi gia đình đều bố trí một không gian thiêng liêng dùng làm nơi nghỉ ngơi cho tổ tiên. Thông thường, người ta chuẩn bị một tấm phản trên đó có đặt cái gối, cơi trầu, ấm nước trà, trái cây và bánh ngọt... Lễ vật cúng gia tiên rất đơn giản chỉ có gỏi, thịt gà luộc, rượu, trầu cau, bánh trái. Các món ăn dâng lên cho tổ tiên gồm có hai phần lễ vật mâm chay và mâm mặn. Mâm chay: có chè, xôi, chuối, bánh tét và bánh sakaya; mâm mặn: có cơm canh, thịt gà luộc. Lần lượt người ta thỉnh mời từng vị tổ tiên đến ăn lễ. Những đại gia đình nào có đông tổ tiên thì việc dâng cơm kéo dài rất nhiều thời gian. Vì người ta sẽ phải thỉnh mời từng vị một và mỗi lần dâng lễ gồm có 1 món ăn chay và 1 món ăn mặn. Lúc dâng cơm thì người phụ nữ, con cháu chắp tay lên đầu cầu nguyện tổ tiên về sum họp, xin phù hộ độ trì cho gia đình luôn luôn khỏe mạnh, làm ăn phát tài.

Trong tháng Ramưwan, các thầy tu thì thực hành chay tịnh, chỉ được phép ăn uống khi mặt trời đã lặn, mọi sinh hoạt cá nhân đều diễn ra tại Thánh đường trong suốt một tháng. Đồng thời, họ cũng phải thực hiện nghiêm ngặt những quy định trong giáo điều Bani như lễ đọc kinh, lễ vào ngày thứ sáu hàng tuần, lễ “nam thần giáng thế”, “nữ thần giáng thế” và cuối cùng là lễ kết thúc Ramưwan vào ngày thứ 30 của tháng chay trước khi trở về với gia đình. Ngoài đời mọi người hào hứng vui chơi, tiệc tùng từ gia đình này sang gia đình khác, các làng Chăm tổ chức văn nghệ, trò chơi dân gian, thể thao... để các dân tộc khác đến chung vui, kết tình thân hữu, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc. Đồng thời giáo dục thế hệ trẻ “sống tốt đời đẹp đạo”. Lễ hội Ramưwan là sợi dây giao cảm với Thượng đế và ông bà tổ tiên trong đời sống tâm linh của mỗi một tín đồ Chăm Bani. Lễ hội này còn mang ý nghĩa kế thừa và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa của tôn giáo bản địa của người Chăm, góp phần nâng cao giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nguồn: ninhthuantourist.com

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT