Lễ cầu làng của người Dao Hòn Lau (Tuyên Quang)
Ông Đặng Văn Bách được gọi là ông trùm làng. Theo lý giải của ông, cứ 2 năm một lần các hộ dân lại họp để bầu ra ông trùm làng. Ông trùm phải là người đã có bài vị cấp sắc, làm thầy cúng và có uy tín, trách nhiệm. Nhiệm vụ của ông trùm sẽ là người quản lý, trông coi Đình Hòn Lau (nơi làm lễ cầu làng) và đứng ra tổ chức các nghi lễ ở làng.
Nếu như người Dao ở nơi khác tổ chức nghi lễ cầu làng vào dịp đầu năm, giữa năm và cuối năm thì người Dao nơi đây lựa chọn thời gian khác hơn. Ở mỗi thời điểm nghi lễ mang một ý nghĩa riêng. Ông Đặng Văn Bách cho biết, lần thứ nhất cầu làng diễn ra vào đầu năm với mong muốn cầu cho nhà nhà khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lần thứ hai diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch (dịp Tết Thanh minh), tưởng nhớ đến tổ tiên, thần thánh. Lần ba diễn ra ngày 9 tháng 9 âm lịch, cúng cơm mới. Lần thứ tư diễn ra vào ngày 25 tháng Chạp với ý nghĩa lễ tổng kết cuối năm, xem một năm trong làng các hộ gia đình làm được gì và chưa được gì, hướng khắc phục trong năm tới.
Một điểm đáng chú ý đó là trước khi tất cả các hộ dân làm lễ cầu làng tại đình thì các gia đình sẽ có một nghi lễ đặc biệt khác. Ông Đặng Văn Lãm chia sẻ, quan niệm của người Dao cứ cách một con suối sẽ có một vị thần cai quản. Chính vì thế, các hộ dân có chung một bờ suối sẽ lập một bản riêng. Thôn Hòn Lau có 6 bản nhỏ, mỗi bản có một miếu thờ vị thần thổ công, thổ địa, thần ngũ cốc của mình. Do đó, trước khi làm nghi lễ chung của thôn thì các hộ gia đình sẽ tổ chức cầu làng tại các ngôi miếu riêng.
Lễ cầu làng của người dân trong thôn được tổ chức tại đình Hòn Lau. Cụ Lý Văn Tuyên năm nay gần 90 tuổi, là người già nhất trong thôn nói, ngôi đình này có từ lâu đời, là nơi thờ Thành hoàng làng, các vị thần, vị tướng có công với làng bản. Vào ngày cầu làng, từ sáng sớm ông trùm làng phải đi gõ mõ để báo cho các hộ. Những người cao tuổi có uy tín sẽ phụ giúp ông trùm làng. Đặc biệt, trong lúc làm lễ ông trùm phải mặc áo dài truyền thống của người Dao, tuyệt đối không được mặc đồ thầy cúng. Theo lý giải của ông Bách thì vào dịp này các vị thần linh muốn được giao tiếp tâm linh thông qua bộ trang phục truyền thống. Điều này thể hiện sự gần gũi, thân thuộc, không khoảng cách giữa bậc bề trên và con cháu.
Lễ vật cầu làng của người Dao Hòn Lau khá đơn giản, đúng theo quan niệm có gì dâng nấy, quan trọng vẫn là tấm lòng thành của con, cháu. Lễ thường có 3 con gà, hoa quả, xôi (hoặc cơm)... Tùy từng dịp ông trùm sẽ có bài văn khấn bằng tiếng Dao riêng. Tuy nhiên, tất thảy các bài khấn đều phải thể hiện sự biết ơn bề trên và cầu sự chở che, phù hộ của thần linh tới bản làng.
Sau khi ông trùm cùng các cụ cao niên làm lễ xong thì lần lượt con cháu sẽ tới dâng hương. Qua đó, mỗi người sẽ gửi gắm những mong muốn của mình. Lễ cầu làng kết thúc, người dân trong làng sẽ cùng nhau tổ chức bày mâm cỗ ăn uống tại đình làng, trước sự chứng kiến của các vị thần linh.
Cầu làng là một nghi lễ có ý nghĩa quan trọng của người Dao Hòn Lau. Lễ giúp bà con trong bản làng gắn kết với nhau hơn, đồng thời tạo dựng niềm tin, giúp người dân có sức mạnh tinh thần, vượt qua khó khăn, cùng nhau lao động, sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp./.