Non nước Việt Nam

Bảo tồn văn hóa dân tộc Mông ở Quản Bạ

Cập nhật: 07/06/2019 10:39:26
Số lần đọc: 1178
  Những điệu hát giao duyên, đối đáp, tiếng sáo… những trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông giờ chỉ tìm thấy trong các lễ hội; những phong tục, tập quán đã có sự thay đổi… Vì vậy các cấp ủy, chính quyền huyện Quản Bạ đang chú trọng khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn.


Người Mông ở Quản Bạ làm mèn mén.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quản bạ, cho biết: Trên địa bàn huyện dân tộc Mông chiếm trên 60%, họ vẫn lưu giữ được nghi lễ văn hóa truyền thống, những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt, lao động, như: Đám cưới cổ truyền; các làn điệu dân ca; trang phục; làm khèn, sáo Mông; hát đối giao duyên; múa khèn và nghề truyền thống như: Thêu, dệt vải lanh, đan lát,… vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các môn thể thao, trò chơi dân gian chủ yếu như: Đẩy gậy, kéo co, ném pao, đánh yến, bắn nỏ... vẫn thường xuyên được tổ chức thi đấu, vui chơi trong các dịp lễ, tết…

Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, đồng thời loại bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, góp phần phát triển văn hóa, xã hội, phấn đấu giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn… huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; phát huy vai trò Hội Nghệ nhân dân gian các xã, thị trấn; tổ chức chương trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong huyện; khôi phục, chế tác nhạc cụ dân tộc; gìn giữ nghề trồng, dệt lanh, kiến trúc nhà ở;… chỉ đạo các đơn vị trường thường xuyên đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy; vận động các gia đình người Mông cải tạo, giữ gìn nhà trình tường, xếp bờ rào đá; xây dựng các làng nghề truyền thống, HTX thêu, dệt thổ cẩm... Đặc biệt, Lễ hội Dệt lanh, Gầu tào được tổ chức thường niên tái hiện nét văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia; tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, giúp người dân ý thức hơn trong gìn giữ nét văn hóa truyền thống. Ngoài ra, huyện đã và đang triển khai thực hiện các dự án đầu tư, phục dựng, bảo tồn Làng Văn hóa truyền thống dân tộc Mông tại xã Cán Tỷ và Đông Hà; xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Khố Mỷ, xã Tùng Vài...

Nghệ nhân thêu, dệt vải lanh Vàng Thị Mai, chia sẻ: Tôi thường dạy miễn phí cho các em nhỏ, thiếu nữ dân tộc Mông thêu, dệt may trang phục của dân tộc để không bị mai một, ngoài ra còn tạo ra sản phẩm để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước đến với vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

Đến với thôn Khố Mỷ, nơi đây như một bức tranh đầy màu sắc với 100% người Mông sinh sống; có 40/40 hộ nhà ở trình tường và còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh và chuyện cổ tích từ cây lanh...; được biết “Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Khố Mỷ” đã và đang được xây dựng nhằm bảo tồn và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mông; đến đây du khách sẽ được thưởng thức các điệu múa khèn, trải nghiệm dệt lanh…; các Lễ hội Gầu Tào, Tết cổ truyền được tổ chức tại làng; thưởng thức và trải nghiệm nấu các món ăn: Mèn mén, thắng cố, cháo lảo… cùng những sinh hoạt thường ngày của người Mông.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền cũng như sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp và ủng hộ của đông đảo người dân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã giúp huyện Quản Bạ trở thành địa phương có nét văn hóa “đa sắc màu”./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT