Hoạt động của ngành

Khai thác tiềm năng “bản địa” để phát triển du lịch ở Lào Cai

Cập nhật: 21/06/2023 12:09:07
Số lần đọc: 665
Đó là xu hướng đã có từ nhiều năm nay ở Lào Cai, mảnh đất có đông thành phần dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Sau một thời gian ngắt quãng vì dịch Covid-19, thì nay, các điểm du lịch trong tỉnh, nhất là các địa phương có tiềm năng về du lịch đã và đang có nhiều động thái tích cực khơi mở kho tàng văn hóa bản địa, khai thác những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể sẵn có để phát triển du lịch.


Người dân khai thác kiến trúc nhà sàn truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng ở Liêm Phú. Ảnh: Lê Thanh Cường

Đã 5 năm qua, điểm đến Liêm Phú bên dòng suối Nhù của huyện Văn Bàn dần được đánh thức bởi nét văn hóa độc đáo của người Tày, người Dao đỏ nơi đây. Với vẻ đẹp của những bản làng người Tày, những nếp sàn nhà truyền thống, nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực đã tạo nên sức hấp dẫn riêng đối với du khách. Mặc dù chưa được tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch cộng đồng, nhưng thời gian qua, một số hộ đồng bào Tày, Dao đỏ ở xã Liêm Phú đã mạnh dạn và tiên phong trong việc làm du lịch.

Chị Lương Thị Hoa hằng ngày vẫn cần mẫn chế biến những mâm cơm theo kiểu truyền thống của đồng bào Tày nơi đây. Hằng ngày, chị duy trì đều đặn một vài mâm cơm cho khách, có những đoàn khách đông, chị phải chuẩn bị hàng chục mâm cơm. Niềm vui của chị Hoa không đơn thuần là kinh doanh dịch vụ ẩm thực, mà còn là người đem đến cho du khách những nét văn hóa ẩm thực bản địa của đồng bào Tày ở Liêm Phú. Cùng với thưởng thức các món ẩm thực bản địa, du khách đến Liêm Phú còn được xem phụ nữ Tày múa các điệu múa truyền thống, hát Then và giới thiệu về phong tục, tập quán của đồng bào Tày...

Cũng giống gia đình chị Lương Thị Hoa, gia đình anh La Quang Chinh đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, dựng nhà sàn và một số khu tiểu cảnh, sân vườn, bể bơi ngoài trời để phục vụ du khách trải nghiệm mảnh đất mang đậm văn hóa đồng bào Tày bên dòng suối Nhù. Bên cạnh nghỉ dưỡng tại gia đình, anh La Quang Chinh cũng đặc biệt chú trọng khai thác thế mạnh về văn hóa bản địa, tìm ra những trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến đây.

Ngoài việc tạo dựng thành khu du lịch sinh thái, vừa khai thác về phong cảnh, thiên nhiên của núi rừng, gia đình anh La Quang Chinh đã tổ chức những hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực bản địa của đồng bào Tày Liêm Phú. Một số món ăn mà khi đến Liêm Phú, bất cứ du khách nào cũng tấm tắc khen ngon và luôn muốn có dịp quay trở lại để thưởng thức. Đó là món vịt cổ xanh bản địa hấp, món mọc cá suối Nhù, gỏi cá bỗng, rau dớn, quả cà gai, hoa đu đủ xào mẻ, măng rừng nướng... Từ những món ăn dân dã có từ lâu đời, giờ đây đã được bà con người Tày ở Liêm Phú đưa lên mâm cỗ đãi khách.

Đến Liêm Phú, du khách còn được trải nghiệm tắm lá thuốc của người Dao đỏ, một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả từ khai thác thế mạnh tri thức bản địa ở nơi đây. Ông Lý Phù Sinh, Giám đốc Hợp tác xã thuốc tắm dân tộc Dao đỏ xã Liêm Phú cho biết: Trước đây, việc đi rừng lấy lá thuốc về sử dụng chủ yếu trong gia đình, khi có trẻ nhỏ ốm đau, người già bị bệnh hoặc phụ nữ khi sinh con. Nhưng nay, các bài thuốc bí truyền của người Dao đỏ đã được chúng tôi sử dụng làm dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi du khách đến Liêm Phú trải nghiệm văn hóa cộng đồng. Những bài thuốc tắm đã được chúng tôi bảo tồn để phát triển du lịch. Rất đông khách du lịch khi đến Liêm Phú, chưa tắm lá thuốc... vẫn chưa muốn về!

Không chỉ dừng lại ở việc phục vụ khách du lịch tại chỗ, giờ đây, ở Liêm Phú còn có một số tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn khai thác thế mạnh bản địa, như Hợp tác xã sản xuất cao gắm - một loại cao thuốc hỗ trợ chữa trị bệnh gút hiệu quả, đã có nhiều khách hàng nội ngoại tỉnh tin dùng.

Hay như Hợp tác xã nông lâm nghiệp Vạn An đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm trà hoa viên truyền thống, phát triển ổn định trên sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Shopee... Đồng thời, Hợp tác xã nông lâm nghiệp Vạn An cũng đang ấp ủ dự định phát triển khu trồng cây hoa thảo mộc, thảo dược thành khu du lịch sinh thái, mang sắc màu bản địa của cộng đồng các dân tộc ở Liêm Phú.

Ông Hoàng Văn Hơn, Bí thư Đảng ủy xã Liêm Phú cho biết: Thực hiện chương trình phát triển du lịch của huyện Văn Bàn nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung, thời gian qua, ngoài thế mạnh về thiên nhiên tươi đẹp, núi rừng hùng vĩ, bản làng thơ mộng, vẫn còn những cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật, phong phú đa dạng sinh học, hiện tại, xã Liêm Phú đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, trong đó có định hướng phát triển du lịch cộng đồng, từ việc khai thác mạnh những tiềm năng về văn hóa bản địa. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân tích cực tham gia phát triển du lịch cộng đồng, trong đó nhấn mạnh việc khai thác thế mạnh bản địa để làm du lịch.

Dẫu vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Liêm Phú vẫn còn nhiều việc phải làm. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa, tìm ra những hướng đi phù hợp và bền vững. Mặt khác, cần có sự tham vấn của các chuyên gia tư vấn chuyên ngành về lĩnh vực văn hóa du lịch, để việc khai thác thế mạnh “bản địa” làm du lịch được bài bản, có chiều sâu và mang yếu tố bền vững. Đồng thời, phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư cho công tác phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, để từ đó có kế hoạch, chiến lược dài hơn trong việc khai thác làm du lịch.

Lê Thanh Cường

Nguồn: Báo Biên Phòng - baobienphong.vn - Đăng ngày 17/06/2023

Cùng chuyên mục