Hành trang lữ khách

Khám phá chợ tình huyền thoại

Cập nhật: 05/04/2019 14:12:01
Số lần đọc: 1223
Ở vùng Cao nguyên đá, tháng Ba âm lịch là thời điểm những cây ngô xanh mướt vươn mình từ trong hốc đá, trải dài dưới thung sâu hay trên triền núi. Đây cũng là thời điểm những đôi trai gái hẹn nhau về phiên chợ có một không hai - Chợ tình Khâu Vai. Trải qua một thế kỷ, phiên chợ tình huyền thoại vẫn vẹn nguyên giá trị nhân văn vốn có, trở thành bến đợi của biết bao đôi lứa yêu nhau nhưng không đến được với nhau!


Chợ tình Khâu Vai diễn ra duy nhất ngày 27/3 âm lịch. Ảnh: TƯ LIỆU

 

Chợ tình Khâu Vai từ lâu đã tạo dựng cho mình nét độc đáo riêng, trở thành điểm đến ấn tượng của du khách. Nơi đây, không có sự tính toán, vụ lợi, chỉ có yêu thương, tôn trọng. Nét đặc trưng của cộng đồng dân tộc miền Cao nguyên đá không chỉ là phong tục, tập quán, trang phục, nhạc cụ, làn điệu dân ca, dân vũ mà còn thể hiện rõ trong văn hóa chợ. Chợ được hình thành từ nhu cầu trao đổi hàng hóa và thường tự phát ở những địa điểm phù hợp với địa hình núi cao. Bà con thường họp chợ 6 ngày một phiên; mỗi xã chọn một ngày để tổ chức họp chợ. Riêng Chợ tình Khâu Vai lại khác! Phiên chợ chỉ diễn ra duy nhất một ngày trong năm – 27/3 âm lịch. Phía sau sự độc đáo ấy là một câu chuyện tình mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Mảnh đất biên cương Mèo Vạc đá chồng đá; đá giăng lũy, giăng thành. Những ngôi nhà thưa thớt, rải rác dựa lưng vào vách đá, bờ rào cũng đá. Người dân nơi đây sống trên đá bền bỉ, như những cây ngô vẫn xanh tươi dù vươn mình lên từ khe đá. Giữa rừng đá khô cằn lại có huyền thoại thật nên thơ. Chàng Ba - một chàng trai người Nùng và nàng Út - cô gái người Giấy mang lòng yêu nhau say đắm nhưng hai người chỉ dám lén lút hẹn hò bởi sự nghiêm cấm khắt khe theo quan niệm của dòng tộc. Khi bị hai gia đình phát hiện và gặp sự phản đối quyết liệt của hai dòng tộc, chàng Ba - nàng Út dắt nhau lên sườn núi Khâu Vai quyết tâm bảo vệ tình yêu. Sự trốn chạy của đôi trai gái dẫn đến xung đột gay gắt giữa hai gia đình, dòng tộc. Từ trên sườn núi, đôi trai gái không cam tâm nhìn cảnh tang thương xảy ra với những người thân yêu, hai người đã gạt nước mắt chia tay, hẹn nhau hàng năm đúng ngày chia tay sẽ tìm về gặp lại tại núi Khâu Vai và đó là ngày 27/3 âm lịch. Sau khi chàng Ba và nàng Út mất đi, người dân trong vùng đã xây miếu Ông, miếu Bà và tổ chức phiên chợ đúng ngày 27/3 âm lịch.

Sức hút từ huyền thoại Chợ tình Khâu Vai đã vượt qua trùng trùng đá núi. Đến nơi đây, không chỉ được cảm nhận về câu chuyện tình yêu như lời ru tình mà còn có thể khám phá nhiều điều mới lạ. Chợ tình bắt đầu từ sáng sớm, khi mặt trời chưa kịp xua tan màn sương mỏng, từ các đỉnh núi, sườn đèo lộ ra những dáng váy xòe rực rỡ sắc màu, rập rờn theo nhịp bước; những bóng áo chàm, áo xanh của cô gái, chàng trai người Tày, người Giấy, người Mông tìm về chợ. Đi chợ tình không phải để mua bán, mà đi gặp lại người thương sau một năm hoặc nhiều năm xa cách. Bởi vậy, chợ tình là bến đợi tình yêu! Đêm xuống, hòa trong tiếng sáo, tiếng khèn da diết gọi bạn giữa đại ngàn đá núi, có thể bắt gặp những ánh mắt trông đợi xa xăm; có người muốn trút bầu tâm sự về cuộc sống, qua những chén rượu nồng bên nồi thắng cố và có cả những chàng trai, cô gái đi tìm một nửa của mình. Chỉ có duy nhất một đêm để tâm tình, để hiểu nhau, kết duyên chồng vợ.

Chợ tình Khâu Vai là thế! Không ồn ào mà lắng đọng những giây phút sẻ chia, yêu thương ngọt ngào; là phút giây ngoài vợ, ngoài chồng, không ghen tuông, đố kị, không cấm đoán hay trói buộc. Những đôi trai gái lỡ duyên gặp lại nhau, dù thời gian hẹn hò ngắn ngủi nhưng họ luôn ý thức rằng, sau phiên chợ, họ lại trở về với gia đình, với cuộc sống thực tại.

Trải qua 100 năm, dù có nhiều đổi thay, nhưng Chợ tình Khâu Vai vẫn giữ được nét đẹp vốn có. Vẻ đẹp ấy là tình yêu trong sáng, là những phút giây ngọt ngào như lời ru tình da diết.

Nguồn: Bao Ha Giang

Cùng chuyên mục