Hành trang lữ khách

Khám phá Điệp Sơn (Khánh Hòa)

Cập nhật: 09/11/2020 16:10:32
Số lần đọc: 992
Nằm trong vịnh Vân Phong êm đềm, quần thể đảo Điệp Sơn (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) gồm ba hòn đảo nhỏ Hòn Bịp - Hòn Giữa - Hòn Đuốc được nối với nhau bằng doi cát tự nhiên với chiều dài khoảng 1km, rộng gần 2m, tạo nên con đường giữa biển độc đáo.

Vẻ đẹp hoang sơ

Cách đất liền 10 - 15 phút đi cano, 30 - 45 phút đi ghe, không ồn ào, xô bồ như phố thị, Điệp Sơn vẫn giữ trong mình vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ với làng chài nhỏ tập trung 92 hộ dân.

Tàu cập chiếc cầu ghép bằng gỗ và thùng phuy nằm trước mặt Điệp Sơn Quán thuộc Công ty Thái Sơn Nam, nằm trên Hòn Bịp, bên cạnh con đường giữa biển nối liền Hòn Bịp và Hòn Giữa.

Biển nơi đây trong veo, mọi người đặt chân lên doi cát, tận mắt nhìn từng đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội và cả thảm thực vật ẩn hiện dưới làn nước trong xanh. Con đường giữa biển này nổi hẳn trên mặt nước vào thời gian 4 - 6 giờ sáng, lúc thủy triều rút, để lại doi cát và vô số những chú ốc nhỏ xinh, cũng như những cây rong đủ loại. Thời gian còn lại trong ngày nước cũng chỉ tới đầu gối. Sau gần 1km, du khách đặt chân đến Hòn Giữa, đi vòng theo bãi cát quanh đảo nhỏ này là đến con đường dẫn sang Hòn Đuốc. Tại đây có một nhà hàng nổi trên biển phục vụ khách du lịch các món ăn hải sản. Vì nằm trong vịnh Vân Phong nên ở đây sóng rất nhẹ, bãi cát thoai thoải, an toàn cho việc tắm biển.

Sau khi khám phá con đường độc đáo cùng hai hòn đảo nhỏ và tắm biển thỏa thích, mọi người cùng quay về Điệp Sơn Quán, tắm lại nước ngọt rồi gọi đồ ăn. Hải sản tươi ngon được chính nhân viên quán chế biến tại chỗ trước mặt du khách, giá cả phải chăng, được niêm yết sẵn.

Đến đây, du khách còn có dịp tham quan làng chài Điệp Sơn cách Điệp Sơn Quán khoảng chừng 1km. Du khách được làm quen với những ngư dân hồn hậu, chất phác cả một đời gắn bó với biển và chứng kiến nhịp sống bình lặng của làng chài. Người thì vá lại lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi hoặc nuôi hải sản, người đang ngụp lặn vớt những con sò để kịp nấu bữa chiều cho khách, người khác lại luôn tay gom rau câu sau một ngày phơi nắng, lũ trẻ con thì hồn nhiên ngụp lặn… Trò chuyện cùng họ, du khách có dịp tìm hiểu về lịch sử làng chài, cách nuôi các loại hải sản, cách vớt rau câu cũng như giờ con nước lên, con nước xuống… Bạn cũng có thể chèo thuyền thúng dưới sự hướng dẫn của người dân, cùng ngư dân ra những lồng nuôi cá, nuôi tôm, hay đơn giản nằm trên võng ngắm hoàng hôn dần buông trên làng chài bình yên. Đêm xuống, có thể thuê lều và ngủ bên bờ biển với tiếng sóng vỗ về. Sáng hôm sau, thức dậy thật sớm, rảo bước trên bãi cát và đón bình minh rực rỡ, rồi thuê tàu đi câu cá hoặc ra các bãi lân cận như Bãi Mao để lặn ngắm san hô…

Di chuyển đến Điệp Sơn

Thời gian lý tưởng nhất để đến Điệp Sơn là từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau, vì khoảng thời gian này khí hậu khô ráo, ít mưa, biển êm đềm, ít sóng lớn. Để đến Điệp Sơn, từ thành phố Nha Trang, bạn thuê xe ra cảng Vạn Giã (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Cảng cách Nha Trang 60km. Nếu đi xe máy, bạn rẽ vào con hẻm nhỏ đối diện cảng có nhiều chỗ để gửi xe máy qua đêm với giá 15.000 đồng/1 ngày đêm.

Tại đây có 3 loại phương tiện cho du khách lựa chọn. Thứ nhất là tàu của người dân trên đảo Điệp Sơn, xuất phát tầm 8 - 9 giờ sáng, trở về đất liền vào 5 - 6 giờ sáng hôm sau, tùy theo con nước, giá vé 20.000/người, với thời gian khoảng 40 phút. Loại thứ hai là tàu của người dân ở Vạn Giã, dành cho ai muốn chủ động về thời gian, với giá 50.000/người, mỗi chuyến xuất phát với ít nhất từ 6 - 8 khách. Thứ ba là di chuyển bằng cano với giá 200.000 đồng/người cho cả đi và về, chỉ mất 10 phút là tới đảo.

Nghỉ ngơi trên đảo

Điệp Sơn Quán nằm gần con đường nổi nối hai đảo. Nơi này có đủ dịch vụ như cho thuê lều cắm trại, chòi gỗ, ghế bố, thuyền kayak, nước ngọt, hải sản, đồ giải khát… để phục vụ khách.

Tại trung tâm làng chài có một vài homestay cho du khách lựa chọn.

Cần lưu ý, trên đảo chỉ có điện từ 18 - 21h30, cũng không có internet./.

Hoài Anh/ Tạp chí Du lịch

 

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục