Trải nghiệm phố đi bộ Tiên Yên, Quảng Ninh
Hai tuyến phố đi bộ Lý Thường Kiệt và phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên được trang trí rực rỡ.
Ngược dòng lịch sử khám phá phố Tiên Yên chúng tôi được những người dân sinh sống lâu năm ở đây cho biết: Trấn Tiên Yên xưa được hình thành từ đầu thế kỉ XX. Dọc các con phố là sự pha trộn giữa kiến trúc của người Hoa và người Pháp. Những ngôi nhà ống 2 tầng nằm san sát nhau, mái ngói đất nung hợp âm dương, tường vôi gạch có giếng trời để đón gió và điều hòa ánh sáng trong ngôi nhà cổ. Phố không có vỉa hè được chia theo ô bàn cờ. Hiện nay, Tiên Yên còn khoảng 40 căn nhà cổ được giữ gìn tạo nên điểm nhấn phố thị Tiên Yên cổ kính, trầm mặc thu hút khách tham quan.
Phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc và cảnh quan tháng 8/2017, huyện Tiên Yên chính thức đưa phố đi bộ thị trấn Tiên Yên vào hoạt động. Không gian phố đi bộ được chia thành 3 khu chính, gồm: Khu văn hóa dân gian; khu phố chợ và phố ẩm thực (nằm ở đường Lý Thường Kiệt và đường Hòa Bình). Từ năm 2017 đến nay, phố đi bộ Tiên Yên được cải tạo, bảo tồn, trở thành phố đi bộ mỗi thứ 7 hàng tuần và các dịp lễ, tết…
Tại phố đi bộ, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức hằng tuần tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa độc đáo các dân tộc vùng Đông Bắc. Bên cạnh đó, dọc tuyến phố còn bố trí các góc trò chơi dân gian hấp dẫn, như: Đi cà kheo, trò chơi ăn quan, nhảy sạp, nhảy dây, tổ chức vẽ tranh, thư pháp, tranh kí họa… Đặc biệt khách tham quan sẽ bị cuốn hút bởi phố ẩm thực với những quầy hàng chuyên bán sản phẩm OCOP địa phương phục vụ cho du khách.
Gia đình bà Đinh Thị Cúc, thị trấn Tiên Yên có truyền thống làm bánh gật gù gần 40 năm nay.
Đến thị trấn Tiên Yên những ngày này, các tuyến phố được trang trí lung linh sắc màu chào mừng sự kiện tuần văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ III. Dọc các con phố người dân hồ hởi vui mừng khi được đón nhiều đoàn khách ghé tham quan tại chính ngôi nhà cổ của mình. Đặc biệt là ngôi nhà số 73 của gia đình bà Đinh Thị Cúc, phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên bởi nơi đây vẫn giữ được nét sinh hoạt xưa trong ngôi nhà mang kiến trúc người Hoa và có truyền thống làm bánh gật gù gần 40 năm nay.
Bà Đinh Thị Cúc, chia sẻ: Từ khi đưa phố đi bộ Tiên Yên vào hoạt động trên các tuyến phố rộn ràng chương trình hoạt động văn nghệ thu hút đông đảo người dân và du khách đón xem. Những nét văn hóa truyền thống của địa phương nay được quan tâm bảo tồn và phục vụ phát triển du lịch. Chính cách làm này giúp gia đình tôi thường xuyên được đón các đoàn khách tham quan đến trải nghiệm nghề làm bánh gật gù. Giờ đây, nghề làm bánh gật gù không đơn thuần là món ăn địa phương mà còn phục vụ khách du lịch. Nhờ đó, thương hiệu bánh gật gù của gia đình tôi được quảng bá và bán đắt hàng hơn nhiều so với trước đây.
Tính từ năm 2017 đến tháng 9/2020, phố đi bộ Tiên Yên thu hút khoảng 690.000 lượt người tham gia. Trong đó, khách trong huyện 330.000 lượt người; khách ngoài huyện khoảng 250.000 lượt người; du khách ngoài tỉnh và khách quốc tế hơn 110.000 lượt người. Năm 2019, khách du lịch đến tham quan phố đi bộ Tiên Yên đạt lượng cao nhất với trên 300.000 lượt người tham quan, du lịch.
Từ ngày 27/10 đến 1/11/2020, tại huyện Tiên Yên diễn ra Tuần Văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ III. Trong khuôn khổ tuần văn hóa diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Hội thi các môn thể thao dân tộc và biểu diễn trò chơi dân gian; hội chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng vùng miền của các địa phương trong và ngoài tỉnh; hội thi Vua gà; diễu hành Carnaval đường phố...
Tiết mục văn nghệ đặc sắc trong đêm khai mạc Tuần Văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ III. Ảnh Phạm Học chụp ngày 30/10/2020.
Hướng đến sự đổi mới, phục vụ du khách ngày một chuyên nghiệp hơn, thời gian tới huyện Tiên Yên sẽ tiếp tục duy trì và đổi mới 2 mô hình: Con đường ánh sáng và phố hoa trong phố đi bộ Tiên Yên. Bên cạnh đó, dự kiến năm 2021 huyện sẽ huy động nguồn lực để mua lại một căn nhà cổ trên tuyến phố đi bộ để nâng cấp, trang trí trưng bày giới thiệu các đồ dùng tái hiện không gian sinh hoạt xưa. Cùng với đó, tiếp tục nâng cấp một số ngôi nhà cổ nằm trên tuyến phố đi bộ nhằm tạo chuỗi liên kết giữa các nhà cổ để hấp dẫn du khách.
Phạm Tăng