Khám phá hệ thống hang động ở Thạch Thành
Du khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong (xã Thành Yên, huyện Thạch Thành).
Trong hệ thống hang động ở Thạch Thành, hang Con Moong nằm trong dãy núi đá vôi thuộc xã Thành Yên, là một di chỉ khảo cổ nổi tiếng của Việt Nam đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm được nhiều dấu tích về người tiền sử có thời gian tồn tại dài nhất và liên tục nhất ở Việt Nam (khoảng 60.000 năm). Hiện nay, hang Con Moong đang được xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Theo tiếng địa phương, hang Con Moong có nghĩa là hang con thú. Hang Con Moong đã kể lại câu chuyện hết sức lý thú về truyền thống cư trú trong hang, truyền thống chế tác đá và sử dụng công cụ đá với sự thay đổi về loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ, thay đổi hành vi văn hóa của con người trước biến động về cổ khí hậu và môi trường tự nhiên. Di chỉ hang Con Moong và địa tầng của nó, là chìa khóa để tìm hiểu diễn trình phát triển lịch sử, văn hóa nhân loại trong mối liên hệ với hệ thống các di tích khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương và trong khu vực Đông Nam Á.
Gắn với sự ra đời của Đội du kích Chiến khu Ngọc Trạo năm 1941 là hang Treo. Tại đây, bên ánh lửa hồng, dưới lá cờ đỏ sao vàng, 21 chiến sĩ du kích kiên nghị xếp hàng làm lễ tuyên thệ nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đội du kích Ngọc Trạo ra đời, đánh dấu bước trưởng thành mới của lực lượng vũ trang Thanh Hóa, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Từ đây, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã có lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang sau này. Mặc dù ra đời và hoạt động chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Đội du kích Chiến khu Ngọc Trạo đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khích lệ tinh thần chiến đấu của Nhân dân. Từ chiến khu Ngọc Trạo, ngọn lửa cách mạng đã lan tỏa về mọi miền quê tỉnh Thanh Hóa, bền bỉ cháy, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Được người dân thôn Yên Sơn, xã Thành Yên đặt tên từ xa xưa, hang Lý Chùn cũng như khu vực xung quanh liên quan đến một nhân vật gọi là Lý Chùn. Theo đó, thời trước có một người tên là Lý Chùn đã trốn vào hang này để khỏi bị bắt đi lính nên người dân ở đây gọi là hang Lý Chùn. Hang này nằm sát rìa ngoài vùng lõi thuộc khu vực bảo vệ của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Di tích hang Lý Chùn là loại di tích cổ sinh và khảo cổ học thời lịch sử. Ở hang này có các mảng trầm tích màu vàng rắn chắc chứa các hóa thạch cổ sinh bám trên vách hang và các di tích, di vật thuộc thời đại lịch sử nằm dưới nền hang. Mặc dù Lý Chùn là một hang đá vôi nhỏ nhưng di tích này đã cung cấp những tư liệu quý để nghiên cứu về cổ môi trường sinh thái ở Bắc Việt Nam cũng như nghiên cứu giai đoạn sau văn hóa Đông Sơn và thời nhà Trần - Hồ ở Thanh Hóa.
Hang Diêm thuộc địa phận bản Sánh, xã Thành Yên. Hang Diêm là tên gọi của Nhân dân địa phương, bởi trong hang có diêm sinh, trước đây dân địa phương thường vào hang khai thác làm thuốc súng. Hang Diêm là di tích cư trú, mộ táng của cư dân thuộc nhiều thời kỳ. Điểm nổi bật của di tích hang Diêm là có khá nhiều xương thú loại vừa và nhỏ. Di tích xương thú ở hang Diêm có thể chiếm tỷ lệ cao nhất so với các di tích khác trong khu vực, là chứng cứ cho hoạt động săn bắt và hái lượm của người cổ nơi đây trong thời đại đồ đá mới. Hang Diêm đã cung cấp thêm những cứ liệu về quá trình cư trú và kiếm sống, cũng như phản ánh quá trình thích ứng với các dạng môi trường đặc thù và đời sống tinh thần của cư dân tiền sử.
Hang Mộc Long và mái đá Mộc Long thuộc thôn Mộc Long, xã Thành Minh. Các di tích hang Mộc Long và mái đá Mộc Long phân bố trong một vùng nhiều suối, rừng rậm. Điều kiện tự nhiên này đã cung cấp các thức ăn dồi dào cho người nguyên thủy, nhất là ốc suối - chiếm tuyệt đại đa số vỏ các loài nhuyễn thể ở đây. Mặt khác, suối còn cung cấp cho họ nguyên liệu phong phú để chế tạo công cụ lao động và dụng cụ sinh hoạt, trên cơ sở đó giúp hiểu thêm quá trình lao động của người nguyên thủy. Căn cứ vào cấu tạo các lớp văn hóa và phân bố các hiện vật khác nhau, chúng ta biết thêm mái đá này đã là nơi cư trú của nhiều lớp người trong thời đại đồ đá mới. Các mộ táng ở đây có rất nhiều loại hình, là tài liệu khảo cổ rất quý, góp phần tìm hiểu tập tục mai táng của chủ nhân di tích cũng như sinh hoạt tinh thần nói chung của người nguyên thủy ở vùng này.
Đến với hang Bố Giáo, xã Thành Yên, Nhân dân địa phương cho biết, tên gọi là hang Bố Giáo vì trước đây tại hang này người ta đã phát hiện được các bó giáo mác không rõ thuộc thời nào (giáo mác buộc thành bó, tiếng Mường bố = bó). Hang Bố Giáo là di tích thuộc văn hóa Đông Sơn - một văn hóa nổi tiếng thời kỳ kim khí ở Việt Nam. Di tồn văn hóa của hang Bố Giáo có những đóng góp nhất định về việc nghiên cứu văn hóa nói chung ở khu vực thung lũng xã Thành Yên và văn hóa Đông Sơn nói riêng ở khu vực rộng lớn hơn thuộc miền núi tỉnh Thanh Hóa. Mặt khác, hang Bố Giáo còn có giá trị về cảnh quan, có thể quy hoạch thành điểm du lịch hay nghiên cứu hang động...
Đến với hệ thống hang động ở Thạch Thành, mỗi hang động là một di tích, một mắt xích không thể tách rời trong giá trị tổng thể của cụm di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận. Với ý nghĩa khoa học, giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn, hang Con Moong và các di tích phụ cận có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với việc nghiên cứu thời đại nguyên thủy ở Thanh Hóa, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Việt Nam. Để phát huy tiềm năng, lợi thế, thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, huyện Thạch Thành đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phát triển du lịch theo hướng tổ chức không gian du lịch đảm bảo sự hài hòa giữa con người, văn hóa với thiên nhiên, mở rộng không gian phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại miền núi. Trong đó, đã hình thành được một số sản phẩm du lịch đặc trưng có tính cạnh tranh cao, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch, tiêu biểu như du lịch khám phá (hang động). Đồng thời gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, quan tâm đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường, nâng cao trình độ dân trí, nâng cao vị thế của huyện để phát triển bền vững./.