Non nước Việt Nam

Khám phá Hòn Ông Ngộ

Cập nhật: 14/03/2022 17:02:25
Số lần đọc: 1034
Ðường đi đến Hòn Ông Ngộ tương đối dễ. Chỉ cần bật Google Maps với điểm đến là Hòn Ðá Bạc, du khách sẽ dễ dàng di chuyển. Hay có thể đi theo lộ trình: bắt đầu từ TP Cà Mau đi thẳng về hướng Tây Nam theo cung đường du lịch, qua cầu Khánh An (nơi cách cầu không xa là Khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau nổi tiếng), đến Khu du lịch Vườn quốc gia Vồ Dơi, đi thẳng xuống địa danh cầu Co Xáng và tiếp tục di chuyển qua vùng hoa màu miệt Cơi 6B, rồi thẳng tiến đến ấp Kênh Hòn, qua cổng chào Hòn Ðá Bạc, tản bộ trên cây cầu nối liền giữa đảo và bờ có chiều dài trên 500 m là đến Hòn Ông Ngộ trong cụm Hòn Ðá Bạc.


Hòn Ông Ngộ nằm trong cụm Hòn Ðá Bạc, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cách trung tâm TP Cà Mau khoảng 50 km đường bộ, là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của ÐBSCL nói chung, Cà Mau nói riêng. Hòn Ông Ngộ là tuyệt tác được thiên nhiên ban tặng bởi nơi đây có một thảm thực vật rêu đỏ trên đỉnh hòn và rêu xanh dưới dải đá ngập nước.

Cụm hòn có diện tích 6,34 ha, bao gồm: Hòn Ông Ngộ, Hòn Ðá Lẻ và Hòn Ðá Bạc, có niên đại khoảng 180 triệu năm. Ðỉnh cao nhất của hòn gần 50 m so với mặt nước biển. Nơi đây còn là địa điểm diễn ra một chiến công lừng lẫy của ngành an ninh Việt Nam: Chuyên án CM12, đập tan tổ chức phản động “Việt Nam phục quốc” do Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Hòn Ðá Bạc - Trung tâm chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12 (9/9/1981-9/9/1984) là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia.

Hòn Ðá Bạc nói chung, Hòn Ông Ngộ nói riêng có vô số những viên đá granit xếp chồng lên nhau, với những hình thù hết sức độc đáo. Chỉ là một đảo nhỏ nhưng Hòn Ông Ngộ lại có một thảm thực vật tự nhiên thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo vô cùng mát mẻ. Trên hòn rất nhiều cây xanh che chắn những viên đá tảng, mát rượi. Ðặc biệt là từng hòn đá tảng, những gốc cây trên hòn được khoác lên màu đỏ cam của loài thực vật nhỏ bé ít người để ý, đó là loài rêu đỏ. Chúng có nét đẹp và những đặc điểm phải nói là “độc”, lạ. Nếu tinh mắt sẽ nhận ra, những mảng rêu trên bề mặt hòn đá vào những ngày nắng nóng chúng thu mình nhỏ lại, sẫm màu; còn khi thời tiết ẩm ướt sau những trận mưa, chúng trở nên đỏ hơn, mượt mà, đầy sức sống. Ðiều đặc sắc này là do khả năng sống tiềm sinh của loài rêu.

Một góc sườn phía Tây Hòn Ông Ngộ - nơi đây là bãi thảm rêu xanh, sẽ lộ thiên khi thuỷ triều xuống.

Cùng với loài rêu đỏ trên đỉnh Hòn Ông Ngộ, những tảng đá, bàn đá vôi chìm dưới mực nước biển ở chân hòn là một thảm rêu xanh nằm bên trên rạn san hô vô cùng đẹp. Thảm rêu xanh này không phải lúc nào chúng ta cũng được chiêm ngưỡng, phải chờ con nước ròng mới có thể thấy. Chúng thường lộ thiên vào những ngày thuỷ triều xuống thấp. Các hòn đá vôi to trực tiếp tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên rêu phát triển mạnh, tạo nên một hệ sinh thái mới dần lộ ra giữa khoảng trời mênh mông, với nhiều thảm rêu xanh thẳm đầy sức sống. Thời điểm này, du khách đứng bên sườn đá phía Tây của Hòn Ông Ngộ mặc sức mà quan sát, chiêm ngưỡng, rất lý thú.

Nếu du khách muốn khám phá một chuyến đến Hòn Ông Ngộ mục đích là ngắm vẻ đẹp của các thảm rêu đỏ, rêu xanh thôi thì thật là tiếc. Bởi lẽ, những thảm rêu chỉ là một yếu tố nhỏ để cấu thành lên một Hòn Ông Ngộ hoang sơ, cuốn hút của cụm đảo Hòn Ðá Bạc. Nơi đây còn có phong cảnh nên thơ, những di tích lịch sử oai hùng, cùng với những món ẩm thực vô cùng độc đáo. Cụm Hòn Ðá Bạc cũng vừa được trùng tu rất khang trang với nhiều hạng mục như cổng chào, cầu dẫn…, đang sẵn sàng mở cửa đón du khách trong thời gian tới./.

Huỳnh Lâm

 

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT