Khám phá nhà cổ Út Kiệt ở Tiền Giang
Ngôi nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt tọa lạc ở ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm trong một khuôn viên rộng 1,8 ha, bao quanh bởi cây trái xum xuê, nào mít, bưởi, nào cam quýt, vú sữa đủ loại. Ngôi nhà này được xây dựng vào năm 1838, tính đến nay đã có tuổi đời gần 200 năm. Phía trước nhà là khoảng sân rộng đặt bàn ghế dưới bóng cây cho du khách nghỉ ngơi. Cổng nhà từ thời xưa cũng được gia chủ giữ lại, tô điểm cho khu vườn thêm ấn tượng.
Nhà cổ Út Kiệt được xây dựng vào năm 1838 trên diện tích 1.000m².
Căn nhà gồm 5 gian làm bằng gỗ quý như lim, bằng lăng, cẩm lai, dựng theo hình chữ Ðinh với 3 gian, 2 chái, rộng gần 1.000m2, với 108 cây cột. Mái của căn nhà được lợp theo kiến trúc âm dương, một hàng úp, một hàng ngửa, không chỉ theo phong thủy mà còn tạo rãnh để thoát nước khi trời mưa.
Căn nhà gồm 5 gian làm bằng gỗ quý như lim, bằng lăng, cẩm lai.
Các hoa văn chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất công phu, đặc trưng theo phong cách nhà xưa tại vùng đất Nam Bộ. Chủ nhân căn nhà vẫn còn lưu giữ nhiều đồ vật mang giá trị lịch sử cao, như bộ bao lam được chạm lộng Mai, Lan, Cúc, Trúc cách điệu hài hòa, các họa tiết mềm mại, được thếp vàng, thể hiện trình độ và tài nghệ thưởng thức nghệ thuật của người xưa.
Tường bao quanh mặt ngoài căn nhà được dựng theo kiến trúc thượng song hạ bản, gồm những thanh gỗ vuông dựng so le. Kiểu dựng này giúp lấy ánh sáng, gió từ ngoài vào và người trong nhà dễ quan sát người bên ngoài.
Các hoa văn chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất công phu, đặc trưng theo phong cách nhà xưa tại vùng đất Nam Bộ.
Các liễn đối bên trong và tranh treo tường đều được khảm xà cừ lộng lẫy. Nối liền các trụ chính của căn nhà là hệ thống bao lơn chạm trổ công phu từ những tấm gỗ vuông với họa tiết mô phỏng các hình thức sinh hoạt dân gian và tín ngưỡng văn hóa của người phương Nam.
Đèn trong nhà đều là những chiếc đèn dầu quen thuộc của người dân Việt nhưng rất đẹp với những dây treo được đúc hoa văn cầu kì. Các chân đèn bàn là những tượng phụ nữ với thân hình mềm mại, dù là tượng, nhưng nhìn không kém phần quyến rũ, sinh động.
Nhà gồm 3 gian, 2 chái với kiến trúc kiểu chữ Đinh
Chứng tỏ bàn tay tài hoa của người thợ cách đây gần 200 năm. Bàn và sập cũng đều là gỗ quý nguyên tấm, đen bóng màu thời gian. Các bộ ghế cũng được làm kì công, họa tiết tinh xảo mà đường nét khoáng đạt, hài hòa. Nền nhà lại xếp gạch tấm vuông được nung thô, hợp với tường gỗ, mái ngói.
Bàn thờ tổ tiên được đặt ở gian nhà chính.
Đi du lịch Tiền Giang, đến với nhà cổ Út Kiệt, bạn còn có thể chọn thưởng thức bữa ăn trong khu ẩm thực trong vườn cây trái mát mẻ và trải nghiệm cảm giác trở về thời xa xưa khi ngủ trong những chiếc giường cũ kỹ này ở nhà ông Kiệt. Nếu có thời gian nhiều hơn, bạn thuê xe đạp chạy trên những con đường nhỏ vào thôn xóm ngắm cảnh, học nấu ăn hoặc chỉ đơn giản là ngồi uống trà hàn huyên với bà con nơi đây.