Khánh Hòa: Mở rộng quảng bá văn hóa xứ Trầm
Chương trình giao lưu nghệ thuật giữa TP. Bunbury với TP. Nha Trang. (Ảnh minh họa)
Đa dạng các hoạt động
Cách đây 5 năm, UBND tỉnh đã ban hành Chiến lược văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở thực hiện chiến lược đó, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều hoạt động cụ thể trong việc giới thiệu, giao lưu, hợp tác văn hóa với các tỉnh, thành ở những quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong công tác quảng bá, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm, chiếu phim, tuyên truyền trực quan…
Hàng năm, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh xuất bản trên 5.000 tờ gấp, tờ rơi quảng bá di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng; hoàn thành xuất bản sách Nghệ thuật bài chòi tỉnh Khánh Hòa và đĩa DVD Khám phá văn hóa Khánh Hòa bằng tiếng Việt có phụ đề tiếng Anh. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh xây dựng các chương trình biểu diễn giới thiệu nghệ thuật truyền thống hướng đến đối tượng khách quốc tế, qua đó vừa góp phần đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa, vừa phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và quảng bá loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng chú trọng khai thác dịch vụ biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế thông qua sự hợp tác với các doanh nghiệp du lịch. Các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như: Múa Chăm, hô hát bài chòi, sân khấu tuồng, múa bóng, hò bá trạo… cũng được tổ chức biểu diễn thường xuyên ở các điểm du lịch, sân khấu nghệ thuật đường phố cho đông đảo khách quốc tế dễ theo dõi, tìm hiểu.
Việc tổ chức định kỳ Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa là dịp để quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh Khánh Hòa ra thế giới, cũng như thu hút các đoàn nghệ thuật nước ngoài đến biểu diễn. Hoạt động giao lưu văn hóa giữa Khánh Hòa với các địa phương nước ngoài cũng diễn ra khá thường xuyên, đặc biệt là các địa phương có mối quan hệ truyền thống và các đối tác mới thiết lập quan hệ với tỉnh như: Tỉnh Champasak, Attapeu (Lào), TP. Ulsan (Hàn Quốc), tỉnh Morbihan (Pháp), Saint Peterburg, Prymorie (Nga)... Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Nha Trang, thực hiện nhiệm vụ văn hóa đối ngoại, địa phương đã mời các đoàn nghệ thuật nước ngoài đến giao lưu, biểu diễn như: Ban nhạc đến từ TP. Bunbury (Úc), nghệ sĩ dương cầm Váradi László (Hungary)…
Để hợp tác văn hóa đối ngoại sâu, rộng hơn
Những thành quả của công tác đối ngoại văn hóa đã góp phần nâng tầm, đưa hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa đến gần hơn với các nước trong khu vực và trên thế giới. Rất nhiều sự kiện đối ngoại về chính trị, kinh tế diễn ra trên địa bàn tỉnh như: Hội nghị APEC năm 2017, Hội nghị gặp gỡ Việt Nam - Nhật Bản Nam Trung Bộ năm 2017, Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm 2020… đều có sự lồng ghép các hoạt động đối ngoại văn hóa.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc triển khai chiến lược văn hóa đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mối quan hệ giao lưu, hợp tác về văn hóa ngày càng được mở rộng; hoạt động văn hóa đối ngoại đã có sự gắn kết thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch nước ngoài. Để hoạt động đối ngoại văn hóa được hiệu quả, thiết thực hơn, các sở, ngành, địa phương cần tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện các nội dung của chiến lược đề ra. Cùng với việc quảng bá, giới thiệu, cần quan tâm đấu tranh chống lại những sản phẩm văn hóa không lành mạnh xâm nhập từ bên ngoài; phản bác kịp thời và có hiệu quả những luận điệu sai trái, xuyên tạc; gắn kết chặt chẽ các hoạt động văn hóa đối ngoại với chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại phục vụ mục tiêu phát triển và hội nhập; đầu tư, hỗ trợ xây dựng, bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phù hợp với quy hoạch phát triển văn hóa của tỉnh để tạo cơ sở cho sự phát triển về văn hóa đối ngoại…/.
Giang Đình