Những cổ vật Chămpa ở Sài Gòn
Trong Bảo tàng lịch sử TP HCM dành hẳn một phòng trưng bày hơn 100 cổ vật Chămpa niên đại từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 17. Chămpa là quốc gia cổ của người Chăm, tồn tại ở miền Trung Việt Nam, hưng thịnh nhất vào khoảng thế kỷ 9, 10 rồi suy yếu dần. Quốc gia này chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Ấn Độ giáo; với nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc; nổi bật là các tháp Chăm vẫn tồn tại đến ngày nay.
Trong phòng trưng bày Văn hóa Chămpa có ba bảo vật quốc gia. Nổi bật là bức tượng đồng Avalokitesvara, phát hiện những năm đầu thế kỷ 20 tại Quảng Bình.
Tượng nặng 35 kg, cao 52 cm, tóc búi cao có miện chạm hình tượng Phật ngồi, mang nhiều trang sức. Tượng có bốn tay, hai tay trước đưa ra cầm nụ sen và bình nước cam lồ.
Bức tượng phản ánh trình độ đúc đồng cao và tình hình phát triển Phật giáo đương thời của Chămpa.
Tượng Phật Đồng Dương được một người Pháp tìm thấy ở Quảng Nam năm 1911, có tuổi đời khoảng 1.200 năm. Tượng làm bằng đồng thau, cao 120 cm, nặng 120 kg, thể hiện đức Phật đứng thuyết pháp.
Tượng từng trưng bày ở nhiều nước. Trong triển lãm cổ vật Đông Nam Á ở Pháp, tượng được mua bảo hiểm 5 triệu USD. Đây là mức bảo hiểm cao nhất cho một pho tượng của Việt Nam trưng bày tại nước ngoài.
Đồng Dương là trung tâm Phật giáo của Chămpa, nằm ở vùng đồng bằng, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Tượng bán thân nữ thần Devi được phát hiện năm 1911 tại làng Hương Quế (Quảng Nam) trong một đền thờ nhỏ. Tượng cao 38,5 cm, rộng 21,6 cm và nặng 20 kg, có niên đại thế kỷ thứ 10.
Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, đây là chân dung hiếm thấy của một nữ thần Ấn Độ được “Chămpa hóa”. Bức tượng làm bằng đá sa thạch, có lông mày dài, cong liền nhau, mắt to, miệng hơi nở nụ cười, tóc kết thành cuộn búi cao kiểu hình tháp, phía trước có hình vầng trăng lưỡi liềm. Bức tượng này được nhiều nước trên thế giới lựa chọn để trưng bày giới thiệu về nền Văn hóa Chămpa.
Bệ thờ chín vị thần trong Ấn Độ giáo được làm bằng đá từ thế kỷ thứ 10, được tìm thấy ở Quảng Nam. Cho đến nay, đây là bức phù điêu duy nhất cùng tạc niều vị thần của người Chămpa được tìm thấy. Do chiến tranh nên nhiều tượng thờ thần của người Chăm cổ đều bị chặt đầu vì đây được ví như biểu tượng cho thần quyền của một quốc gia.
Phía trên ở góc bên trái là tượng Shiva, cũng bị mất phần đầu, có niên đại khoảng thế kỷ 9 -10. Shiva là một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo (Vishnu, Brahma và Shiva), tượng trưng cho sự hủy diệt. Thần Brahma tượng trưng cho sáng tạo, còn Vishnu là thần bảo hộ.
Tượng đá có hình thân người đầu voi là thần Ganesha được tìm thấy ở Quảng Nam thế kỷ 7. Thần Ganesha là tượng trưng của tài trí, hạnh phúc và thành công, là con của thần Shiva.
Những bức tượng người múa được đúc vào thế kỷ thứ 10, tìm thấy ở làng Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam. Nhiều cổ vật khác của người Chăm cũng được phát hiện ở đây vì khu vực này từng là kinh đô của quốc gia Champa.
Bạn Đức, đại học Hutech, giới thiệu về bức tượng chim thần Garuda có tuổi đời hơn 1.000 năm. Trong Ấn Độ giáo, Garuda là vật cưỡi của thần Vishnu, được biểu hình bằng một con chim săn mồi có đầu người, với ba mắt và mỏ đại bàng.
“Mình cũng vô bảo tàng một vài lần tham quan, ở đây rất phong phú cổ vật với nhiều đồ có giá trị. Nhóm mình đang làm bài về văn hoá Chămpa nên vào đây tìm hiểu để có thêm kiến thức cho môn học”, nam sinh viên khoa Du lịch cho biết.
Bảo tàng lịch sử TP HCM xây dựng năm 1929, có tên ban đầu là Blanchard de la Brosse theo tên Thống đốc Nam Kỳ thời ấy. Đây là bảo tàng đầu tiên ở Sài Gòn và cả miền Nam Việt Nam. Năm 1954, khi người Pháp rút đi, công trình đổi tên thành Viện Bảo tàng Quốc gia và mang tên như hiện nay từ sau năm 1975.
Công trình do kiến trúc sư Pháp Delaval thiết kế và xây dựng theo phong cách kết hợp giữa kiến trúc châu Âu và bản địa, khai thác yếu tố truyền thống và đặc điểm khí hậu địa phương.
Bảo tàng mở cửa hàng ngày từ 8 - 17h, vé vào cửa là 30.000 đồng./.