Khánh Hòa: Tôn vinh giá trị bài chòi miền Trung
Đa dạng sắc màu
Diễn ra từ ngày 1 đến 2-5 tại Quảng trường 2-4, Nha Trang, Liên hoan nghệ thuật bài chòi tỉnh Khánh Hòa mở rộng đã khép lại. Tuy nhiên, dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong lòng những ai yêu mến bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Các đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên bài chòi trong và ngoài tỉnh đã đem đến những sắc màu nghệ thuật bài chòi đa dạng, độc đáo.
Phần biểu diễn của đoàn nghệ thuật bài chòi TP. Hội An.
Đoàn Quảng Bình đã cho khán giả thấy được nét đặc trưng nghệ thuật bài chòi ở nơi đây khi sử dụng các làn điệu dân ca của địa phương như: Hò khoan Lệ Thủy, hò biển Cảnh Dương, hò thuốc cá Minh Hóa, hò mái ba - mái chè - hò hụi… và các làn điệu dân ca của Quảng Bình, vùng Bình Trị Thiên. Những làn điệu dân ca với tiết tấu âm nhạc sôi nổi, lời hát mộc mạc, hóm hỉnh, gắn liền với đời sống lao động, sản xuất của người dân như thổi hồn vào trò chơi dân gian xưa của ông cha.
Tỉnh Quảng Nam đem đến liên hoan 2 đoàn nghệ nhân bài chòi, mỗi đoàn thể hiện một nét độc đáo riêng. Đêm diễn đầu tiên, khán giả thật sự ấn tượng với phần kết hợp sử dụng nghệ thuật bài chòi vào tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của đoàn nghệ thuật bài chòi Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam. Sang đêm diễn thứ hai, các thành viên đoàn nghệ thuật bài chòi TP. Hội An đã mang đến một sân chơi bài chòi đầy sôi động dành cho khán giả. Mọi người được phát những thẻ bài để trực tiếp tham gia trò chơi. Trên sân khấu, mỗi lần anh Hiệu, chị Hiệu rút và hát hô quân bài nào đó, ở dưới khán giả lại rộ lên những tràng pháo tay của người trúng bài. Những khán giả may mắn giành chiến thắng được mời rượu Hồng Đào và nhận quà tặng. Qua hoạt động này, mọi người càng hiểu hơn vì sao ở phố cổ Hội An, trò chơi bài chòi không chỉ là thú vui tao nhã của người dân, mà còn là một sản phẩm du lịch đặc trưng diễn ra hàng ngày, hàng đêm, thu hút đông đảo du khách đến tham gia.
Các đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ bài chòi tỉnh Bình Định, Phú Yên và chủ nhà Khánh Hòa cũng thể hiện được nét đẹp của nghệ thuật bài chòi ở quê hương mình. Trong đó, khán giả vừa được xem những trích đoạn sân khấu bài chòi nổi tiếng như: Thiếu niên anh hùng, Tiếng trống Mê Linh, Ngọc Hà tiễn Châu Đạt…, vừa được nghe những làn điệu bài chòi hát về quê hương, đất nước thân yêu; những câu hô bài chòi trong các hội chơi bài chòi…
Phần thể hiện của các đoàn đã cho thấy sự đa dạng sắc màu vùng miền của một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Qua đó, càng tôn lên nét đẹp, sự linh hoạt của một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo ở các tỉnh miền Trung.
Cần thêm những sân chơi
Liên hoan nghệ thuật bài chòi tỉnh Khánh Hòa mở rộng thu hút khoảng 300 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên của 11 đoàn bài chòi gồm: Đoàn nghệ nhân bài chòi tỉnh Quảng Bình; đoàn nghệ nhân bài chòi thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế); đoàn nghệ thuật bài chòi TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam); đoàn nghệ thuật bài chòi Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam; đoàn nghệ nhân bài chòi tỉnh Bình Định; đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Yên; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa; Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa; đội nghệ thuật bài chòi TP. Nha Trang; Câu lạc bộ Bài chòi cổ thị xã Ninh Hòa; Câu lạc bộ Bài chòi Khu V.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, sau khi nghệ thuật dân gian bài chòi được UNESCO vinh danh, các địa phương nằm trong vùng di sản phải có các hoạt động tích cực trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản. Liên hoan nghệ thuật bài chòi tỉnh Khánh Hòa mở rộng chính là một hoạt động cụ thể nhằm góp phần thực hiện cam kết công ước của UNESCO. Sự tham gia tích cực của 11 đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên bài chòi trong tỉnh và 5 địa phương khác trong khu vực là minh chứng cho sự cần thiết về việc tổ chức những sân chơi cho những người đang gìn giữ nghệ thuật bài chòi ở miền Trung.
Niềm vui lớn nhất khi đến với liên hoan chính là những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên - những người đang nắm giữ nghệ thuật bài chòi. Bởi sau lễ đón bằng UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi diễn ra ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cách đây 4 năm, gần như các đoàn nghệ thuật bài chòi trong khu vực không có thêm một cuộc hội ngộ, giao lưu nào khác. Để đến hôm nay, họ mới có dịp được gặp gỡ, học hỏi và biết hơn về bài chòi ở các địa phương khác. “Qua liên hoan lần này, chúng tôi có dịp gửi tới khán giả, du khách gần xa những câu hô, câu hát, làn điệu bài chòi của quê hương. Chúng tôi cũng mong muốn ngày càng có nhiều liên hoan, hoạt động trình diễn bài chòi như thế này được tổ chức để có thể quảng bá, giới thiệu và đưa di sản nghệ thuật bài chòi của ông cha được mãi vang xa”, nghệ nhân Hoàng Việt (đoàn Bình Định) chia sẻ.
Với nghệ nhân Nguyễn Thị Thu Uyên và các thành viên trong Câu lạc bộ Bài chòi cổ thị xã Ninh Hòa, liên hoan là cơ hội để mọi người biết thêm về cách hô, cách hát, cách diễn bài chòi của các nghệ nhân, nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh, từ đó tự nâng cao khả năng của bản thân để hô hát phục vụ người dân được tốt hơn.
Giang Đình