Non nước Việt Nam

Cà Mau: Phát huy giá trị di sản văn hoá ở Thới Bình thôn

Cập nhật: 06/05/2022 11:21:28
Số lần đọc: 1372
Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hiện Thới Bình có hơn 30 di tích, cụm di tích được tôn tạo, giữ gìn. Trong đó, có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia là chùa Cao Dân, Các địa điểm thuộc Xứ uỷ Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam; 9 di tích lịch sử cấp tỉnh là: Đình thần Thới Bình, Đình thần Tân Lộc, Đình thần Tân Bằng, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Toà thánh Ngọc Sắc, Đền thờ Vua Hùng, Địa điểm trận thảm sát của thực dân Pháp tại kênh Cái Sắn, Địa điểm trận thảm sát của Mỹ - Nguỵ tại lung Máng Diệc, chùa Rạch Giồng. Đặc biệt, có di sản văn hoá phi vật thể là Nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer huyện Thới Bình.


Nét đẹp di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Rạch Giồng. Ảnh: Khánh Phương

Ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, những năm qua, công tác quản lý di sản luôn được cấp uỷ, chính quyền, các ngành, các cấp và Nhân dân địa phương quan tâm triển khai thực hiện, nhất là trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hàng năm, huyện đều có kế hoạch rà soát nhu cầu trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, từ đó kịp thời, chủ động trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích; phối hợp tổ chức thực hiện tốt các lễ hội, ngày tết, các lễ kỷ niệm lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của huyện tại các di tích.

Tận dụng lợi thế là huyện giàu truyền thống cách mạng và còn là nơi lưu giữ nhiều di tích, cụm di tích và các di sản văn hoá phi vật thể, huyện lập kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng nhiều không gian phát triển du lịch cho huyện nhà. Thường xuyên phối hợp với Bảo tàng tỉnh, các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát các di tích trên địa bàn huyện đủ điều kiện đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh lập hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh ra quyết định (gần đây nhất là đã khảo sát lập hồ sơ khoa học chùa Đầu Nai, xã Tân Lộc Bắc).

- Trên địa bàn huyện có nhiều di sản văn hoá mang đậm nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Vậy để phát huy và bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, huyện đã đề ra các giải pháp ra sao, thưa ông?

Ông Trần Minh Nhân: Huyện Thới Bình chủ yếu có 3 thành phần dân tộc sinh sống, gồm người Kinh, người Khmer, người Hoa, còn có một số ít dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng, tạo nên tính đa dạng, phong phú trong văn hoá của huyện nói chung. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer có nhiều bản sắc văn hoá truyền thống mang tính độc đáo từ lễ hội, kiến trúc đến nghệ thuật sân khấu, âm nhạc…

Di sản văn hoá chủ yếu của đồng bào Khmer trên địa bàn huyện là: Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (Tết năm mới); Lễ hội Sene Dolta (Pchum Banh - Lễ hội cúng ông bà tổ tiên); lễ hội Ok om bok; nghệ thuật sân khấu Dù kê, nghệ thuật nhạc trống lớn… Bên cạnh đó là các di tích lịch sử gắn liền với đồng bào dân tộc Khmer, như di tích lịch sử chùa Cao Dân, di tích lịch sử chùa Rạch Giồng…

Để bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Khmer, huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, đã thực hiện tốt việc phân cấp quản lý, giao cho Phòng Văn hoá và Thông tin huyện cùng Ban Quản lý di tích chủ động giám sát, hướng dẫn các chùa tổ chức các hoạt động; đăng ký trước các chương trình lễ hội với cơ quan chức năng, từ đó chủ động trong việc quản lý và tổ chức các hoạt động.

Thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện để một số lễ hội truyền thống của người Khmer được tổ chức với quy mô lớn và trang trọng hơn, góp phần giữ gìn và phát huy, duy trì bản sắc văn hoá của dân tộc Khmer, đặc biệt là Nghệ thuật Nhạc trống lớn của người Khmer huyện Thới Bình vừa được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

- Thưa ông, cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Vậy huyện đã có những giải pháp gì để khơi dậy nguồn lực này?

Ông Trần Minh Nhân: Công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị của các di sản nói chung nhằm khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc để mỗi người hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình góp phần vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của cộng đồng. Để bảo tồn và phát huy thì có nhiều giải pháp, nhưng cơ bản nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được về giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản (về góc độ quản lý Nhà nước, chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất về nội dung này). Ngoài ra, còn cần phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc, các vị chức sắc, các vị sư sãi trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

- Việc phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch sẽ được huyện thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Trần Minh Nhân: Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thới Bình nhiệm kỳ 2020-2025, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025.  Là một huyện có bề dày về truyền thống cách mạng của tỉnh, có tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế du lịch, huyện định hướng không gian phát triển du lịch gắn với tham quan di tích lịch sử, văn hoá, truyền thống cách mạng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Song song đó, huyện xây dựng kế hoạch triển khai công tác sưu tầm, khôi phục, bảo vệ và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống, các giá trị di tích lịch sử văn hoá, các lễ hội, nghi thức truyền thống của dân tộc bản địa trên địa bàn huyện, tiếp tục phát huy giá trị đờn ca tài tử tại địa phương. Trong đó, chú trọng việc khôi phục các giá trị văn hoá đậm bản sắc có nguy cơ mai một, nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ nhu cầu tìm hiểu đời sống văn hoá tâm linh, thưởng thức giá trị tinh thần cho du khách.

- Xin cảm ơn ông!

Băng Thanh

 

Nguồn: Báo Cà Mau - baocamau.com.vn - Ngày đăng 06/5/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT