Khánh Sơn (Khánh Hòa): Mong sớm có tour trekking Tà Giang
Sản phẩm du lịch độc đáo
Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, sau chuyến khảo sát thực tế, huyện nhận thấy điều kiện tự nhiên tại Tà Giang thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch trekking. Đoạn đường trekking này được đánh giá là dễ đi, phù hợp cho nhiều đối tượng. Những năm gần đây, Tà Giang là một trong những cung đường trekking được giới trẻ lựa chọn cho các chuyến trải nghiệm vào dịp cuối tuần.
Khu vực cắm trại ở thảo nguyên Tà Giang.
Cụ thể, đoàn đã đi khảo sát, trải nghiệm thực tế cung đường từ điểm xuất phát là cầu Hàm Leo đi qua 2 tiểu khu 257 - 259, đến khu vực thảo nguyên Tà Giang do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa quản lý. Trải qua 5 giờ đi bộ trên cung đường hơn 10km, băng qua các cánh rừng, nhiều ngọn đồi và sông suối, đoàn đã đến khu vực thảo nguyên Tà Giang với khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ, không khí trong lành, mát mẻ. Tại đây có những khu đất trống, bằng phẳng để du khách dựng lều, cắm trại nghỉ ngơi, thư giãn qua đêm. Các thành viên trong đoàn khảo sát đã xác định được vị trí các trạm nghỉ, tầm quan sát, độ an toàn và các điều kiện đảm bảo cho những đoàn du khách có thể thu được những tư liệu, hình ảnh đẹp về các điểm như: Đồi Yên Ngựa, thác Lavan, cao nguyên Tà Giang…
Được biết, trong những năm gần đây, đã có một số cá nhân đứng ra tổ chức, đưa các đoàn du khách tham gia trekking cung đường này. Trung bình mỗi tuần có trên 100 khách, thời gian chủ yếu từ tháng 1 đến tháng 6. Hoạt động phục vụ các đoàn du khách này đã tạo việc làm cho hơn 30 lao động người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Thành Sơn. Công việc chính của họ là dẫn đường, mang vác đồ cho khách và được trả thù lao 1 triệu đồng/người/chuyến.
Cần xây dựng quy định cụ thể
Hoạt động trekking trên cung đường Tà Giang hội đủ các yếu tố để trở thành sản phẩm du lịch mới, độc đáo của huyện Khánh Sơn và của tỉnh. Qua đây sẽ góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đa dạng các hoạt động du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, bước đầu hoạt động này đã tạo việc làm cho một bộ phận người dân địa phương. Đối tượng du khách tham gia hoạt động trekking chủ yếu là giới trẻ. Đây là những người ưa thích sự khám phá và có ý thức về bảo vệ môi trường. Hoạt động chính của loại hình này là đi bộ khám phá núi rừng, nên những tác động đến môi trường trong quá trình tham quan, khám phá không đáng kể, không có việc khai thác gỗ, lâm sản trên cung đường này.
Tuy nhiên, đây vẫn là hoạt động tự phát của một số cá nhân nên ẩn chứa những rủi ro, nhất là vào những thời điểm mưa lũ. Để có cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch đảm bảo an toàn cho du khách, hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường sinh thái, phù hợp với các quy định, huyện Khánh Sơn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, sử dụng các khu vực rừng trên tuyến đường di chuyển vì phần lớn lộ trình di chuyển của cung đường đi qua các khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa quản lý. Sở Du lịch phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động du lịch trekking vì đây là hoạt động du lịch có điều kiện và phải được cấp phép hoạt động…
Theo ông Cung Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở Du lịch, loại hình du lịch đi bộ đường dài khám phá thiên nhiên núi rừng đang là sản phẩm thu hút nhiều sự quan tâm, trải nghiệm của du khách. Việc trên địa bàn huyện Khánh Sơn hình thành được một cung đường phù hợp với đặc điểm, điều kiện, yêu cầu của loại hình du lịch này là rất tốt. Tuy nhiên, loại hình du lịch này cũng ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro nên cần có sự kiểm soát chặt chẽ. Sở Du lịch sẽ làm việc với huyện Khánh Sơn để có thể đưa ra những quy định, điều kiện hoạt động cụ thể đối với cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện hoạt động trekking này. Trên cơ sở đó sẽ làm căn cứ để cấp phép cho doanh nghiệp, các đoàn khách.
Giang Đình