Hoạt động của ngành

Làm mới sản phẩm du lịch

Cập nhật: 23/09/2022 09:12:50
Số lần đọc: 753
Phát huy tiềm năng, bản sắc độc đáo của mỗi địa phương, thời gian qua, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới với nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Nỗ lực tự làm mới mình đã mang lại triển vọng liên kết, hợp tác cho các địa phương trong thời gian tới.  


Đảo chè Thanh Chương (Nghệ An) một điểm đến hấp dẫn du khách. (Ảnh Quang Dũng)

So với những năm trước, lượng du khách đến nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch, nghỉ dưỡng ở khu vực Bắc Trung Bộ năm nay tăng đột biến. Những tín hiệu tích cực tại mùa du lịch biển năm 2022 cho thấy định hướng, nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, làm mới sản phẩm du lịch tại các điểm, khu du lịch là bước đi phù hợp, gợi mở cho địa phương những cách tiếp cận mới để thu hút du khách.

Dịch vụ đa dạng, phong phú

Chị Rose Hương Nguyễn (Việt kiều Mỹ) người vừa kết thúc kỳ nghỉ với gia đình tại Khu du lịch biển Xuân Thành (Hà Tĩnh) chia sẻ: Với bãi cát trắng trải dài, nước biển trong xanh, cánh rừng phi lao chạy dọc bờ biển được bao bọc bởi dòng nước ngọt uốn lượn quanh bãi cát, chúng tôi cảm nhận rất rõ nét nguyên sơ, bình lặng của khu du lịch. Bên cạnh đó là được trải nghiệm, tham gia các hoạt động thể thao, giải trí như: Chơi golf, lái ca-nô, chèo thuyền, cưỡi ngựa... tạo nên sự hấp dẫn khác lạ với những điểm du lịch khác.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Lê Trần Sáng, cảm nhận của chị Rose Hương Nguyễn cũng là tâm trạng chung với nhiều du khách khi đến với biển Xuân Thành trong những ngày hè sôi động vừa qua. Ngoài lợi thế thiên nhiên, bờ biển đẹp, Hà Tĩnh còn có nhiều địa danh, di tích lịch sử, lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân miền biển.

Đây chính là những yếu tố vô cùng thuận lợi để tỉnh gắn các sản phẩm văn hóa đặc sắc vùng biển trong phát triển du lịch: Các địa phương triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và các loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; phát triển các thiết chế văn hóa, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc, tạo nền tảng để xây dựng văn hóa cư dân vùng biển.

Theo số liệu thống kê của UBND thị xã Cửa Lò (Nghệ An), chín tháng năm 2022, địa phương này đón tiếp hơn 2,83 triệu lượt khách, đạt 183% kế hoạch năm, trong đó khách lưu trú 853 nghìn lượt, đạt 165% kế hoạch năm. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt 2.892 tỷ đồng, đạt 190% kế hoạch năm.

Lễ hội Lam Kinh, một trong những nét đặc sắc của văn hóa xứ Thanh.

Lý giải về sự tăng trưởng mạnh mẽ này, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, Hoàng Văn Phúc cho biết: Thay vì tổ chức khai trương mùa du lịch biển vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 như trước đây, năm nay thị xã “mở biển” sớm hơn ba tuần tạo được sự chú ý của khách du lịch sau thời gian dài phòng, chống dịch bệnh. Việc giới thiệu, quảng bá đạt hiệu quả cũng đã giúp Cửa Lò thu hút một lượng khách lớn trong những ngày đầu khai hội du lịch. Bên cạnh đó, thị xã còn tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và các lễ hội xuyên suốt cả năm; hầu như tháng nào cũng tổ chức một vài sự kiện ấn tượng để thu hút khách.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Lợi cho biết, nét mới trong du lịch của Nghệ An năm nay là tỉnh triển khai khai thác du lịch bốn mùa, mà khu vực phía tây của tỉnh được xem là “mỏ vàng” để khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch mùa thu đông, mang đến những điều mới mẻ và lý thú cho khách du lịch. Các sản phẩm và điểm đến được xây dựng từ những năm trước như điểm du lịch cộng đồng Khe Rạn, bản Nưa, bản Xiềng (huyện Con Cuông), Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu) đã khẳng định được thương hiệu và sức hấp dẫn riêng.

Một số sản phẩm, điểm đến mới được xây dựng như Cọ Muồng, Mường Đán (huyện Quế Phong), Yên Hòa (huyện Tương Dương) cũng bắt đầu thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm. Mùa thu đông cũng là thời điểm những vườn mận, vườn đào của đồng bào H’Mông nở bung; những cánh đồng, thung lũng, đồi hoa ở Phủ Quỳ đua nhau khoe sắc, mời gọi du khách check-in và trải nghiệm cảnh đẹp...

Ba địa phương, một điểm đến

Trên cơ sở Biên bản thỏa thuận Hợp tác phát triển du lịch giữa lãnh đạo ba địa phương: Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động hợp tác, liên kết phát triển du lịch, tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến du lịch quy mô lớn như: Tổ chức chương trình Roadshows giới thiệu du lịch các tỉnh bắc miền trung tại Lào và Thái Lan; đón đoàn Famtrip các tỉnh đông bắc Thái Lan đến khảo sát các điểm du lịch các tỉnh bắc miền trung, tổ chức Hội nghị “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm” bên lề Hội chợ VITM-Hà Nội, đón đoàn Famtrip Thành phố Hồ Chí Minh đến khảo sát các điểm du lịch ở ba tỉnh...

Thông qua công tác phối hợp xúc tiến du lịch đã tạo được hiệu ứng tích cực trong quảng bá hình ảnh du lịch chung, giúp các doanh nghiệp ba tỉnh tạo sự liên kết cũng như tìm kiếm các đối tác, mua bán các sản phẩm dịch vụ... Điều đáng ghi nhận là các địa phương, cơ quan chức năng ở Thanh Hóa tập trung xây dựng, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm mới tại một số di tích trọng điểm như: Đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh, khai thác tour du lịch “Di sản và làng cổ Đông Môn” tại Thành Nhà Hồ...

Bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, có thế mạnh như du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh..., Thanh Hóa tập trung xây dựng “một điểm đến-đa dịch vụ”; đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch nhằm sớm đưa vào khai thác, hình thành khu nghỉ dưỡng chất lượng cao để gia tăng trải nghiệm cho du khách.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng. Ngoài sự liên kết giữa các ngành để tạo nên chuỗi giá trị dịch vụ du lịch, đòi hỏi cần có sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố, các vùng du lịch để mở rộng không gian du lịch, gia tăng trải nghiệm cho du khách với nhiều sản phẩm đặc trưng, chuyên biệt. Thời gian qua, ngành du lịch của ba tỉnh đã tích cực liên kết, hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch của vùng nói chung và mỗi tỉnh nói riêng, đáp ứng nhu cầu thay đổi của du khách trong và ngoài nước hậu dịch Covid-19.

Nhiều hoạt động liên kết, hợp tác như: hình thành Ban điều phối hợp tác, liên kết phát triển du lịch bốn tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ kỹ thuật năm 2016; phối hợp thành phố Hà Nội và các tỉnh: Ninh Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang xây dựng và khai thác sản phẩm “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, cùng các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế xây dựng và khai thác sản phẩm “Con đường di sản miền trung”, phối hợp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam tổ chức chương trình du lịch về nguồn, xây dựng và khai thác chương trình du lịch một ngày ăn cơm ba nước (Việt Nam, Lào, Thái Lan); định kỳ hằng năm phối hợp tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước với slogan “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, những hạn chế dẫn đến “thua thiệt” trong thu hút khách du lịch của các địa phương cho thấy, dư địa phát triển du lịch với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc riêng biệt của vùng Bắc Trung Bộ còn lớn.

Vì vậy thời gian tới ngành du lịch các tỉnh cần phát huy tốt thế mạnh độc đáo của tài nguyên, sản phẩm du lịch của mình để xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới theo chiều sâu, nhiều trải nghiệm; đồng thời liên kết chặt chẽ không gian và tính chất sản phẩm du lịch như du lịch tham quan nghiên cứu di sản thế giới và văn hóa, du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng biển, du lịch lễ hội-tín ngưỡng, du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch mạo hiểm, cắm trại... gắn với việc tăng cường liên kết, hợp tác xúc tiến, quảng bá, đào tạo nhân lực du lịch...

Ngô Tuấn, Mai Luận và Thành Châu

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 22/9/2022

Cùng chuyên mục