Hoạt động của ngành

Khát vọng vươn lên của Quảng Ninh

Cập nhật: 06/11/2023 09:47:01
Số lần đọc: 641
Từ một tỉnh khó khăn, Quảng Ninh đã vươn mình trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía bắc với nhiều đột phá về cơ sở hạ tầng. Sau 60 năm xây dựng và phát triển, đây là dịp để nhìn lại, đánh giá những thành tựu nổi bật và đóng góp quan trọng của tỉnh đối với sự phát triển chung của đất nước.

Một góc thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Nguồn: TTXVN

1/Nghị quyết 30-NQ/T.Ư ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 xác định: Tỉnh Quảng Ninh là trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới; Quảng Ninh-Hải Phòng là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, đồng thời là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng tam giác tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh trải dài từ phía tây (thị xã Đông Triều) sang phía đông (TP Móng Cái) khoảng 380 km, trung tâm là TP Hạ Long với sự đa dạng về hình thái địa lý khi có núi, sông, biển, đồng bằng. Năm 2012, dưới sự tư vấn của các tổ chức uy tín nước ngoài, bảy quy hoạch chiến lược của tỉnh đã được lập, lấy trung tâm là TP Hạ Long để tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ theo hướng đô thị hiện đại, văn minh. Từ đây, nhiều công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, hoàn thành, đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các vùng miền lân cận. Đặc biệt, sau khi được mở rộng địa giới bằng việc sáp nhập huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long giờ đây mang một tầm vóc mới, mở ra vận hội, thời cơ mới để thu hút tối đa mọi nguồn lực phát triển đột phá, nhanh chóng, bền vững. Qua đó, từng bước khẳng định vị thế của một thành phố xứng tầm đô thị du lịch biển đẳng cấp của cả nước, trở thành mũi nhọn, cực tăng trưởng kinh tế mới của tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với trung tâm Hạ Long, hành lang hai tuyến đông-tây của tỉnh đang được định hình khá rõ nét. Trong đó TP Móng Cái giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt đã triển khai thực hiện có hiệu quả hai quy hoạch chiến lược khu kinh tế cửa khẩu. Với lợi thế vừa có đường biên giới trên bộ, vừa có đường biên giới trên biển, Móng Cái là cầu nối trực tiếp, trọng yếu trong thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, ASEAN và Đông Bắc Á. Trong khi đó, với mục đích chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, TP Cẩm Phả đang được xây dựng theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại, bền vững. TP Uông Bí và thị xã Đông Triều thì tiếp cận theo hướng du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng phía tây. Nhờ việc huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để đầu tư, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, các dự án sân bay, đường cao tốc, cảng biển quốc tế mang tầm cỡ quốc tế đã hình thành, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tập trung vào Quảng Ninh.

2/Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay Quảng Ninh đã trở thành trung tâm đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện. Điều đó được thể hiện qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu cả nước 5 năm liên tiếp (2017-2021); 7 năm liên tục (2016-2023) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số. Trong đó, năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28% dù ở thời điểm dịch Covid-19 hoành hành (xếp thứ 13/63 toàn quốc và 3/7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm khu vực Bắc Bộ).

Cùng với đó, diện mạo đô thị Quảng Ninh cũng thay đổi ngoạn mục khi nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được hoàn thành, đưa vào khai thác, trở thành địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay (176/1.046 km). Năm 2023, đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả dài 18,7 km, rộng sáu làn xe được đưa vào sử dụng không chỉ giảm tải cho quốc lộ 18 mà còn kết nối Vịnh Hạ Long (di sản thiên nhiên thế giới) và vịnh Bái Tử Long (di sản ASEAN) để phát huy hết tiềm lực kinh tế, giao thông.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy Quảng Ninh đang mang những kỳ vọng lớn hơn trong thời kỳ phát triển kinh tế mới. Mặc dù hành trình phía trước đang mở ra nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, phát huy tinh thần công nhân vùng mỏ, để hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có quyết tâm cao, sự nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khát vọng vươn lên mạnh mẽ để trở thành một tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Từ năm 2011 đến nay, Quảng Ninh đã chú trọng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thay đổi mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh hóa, lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với phát triển bền vững. Tỉnh đang đặt mục tiêu hướng đến năm 2030 trở thành tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt, đến năm 2045 là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế.

Thanh Tùng

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 30/11/2023

Cùng chuyên mục