Khơi thông luồng xanh du lịch - Động lực tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch
Với chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, nhiều nước trên thế giới đang từng bước nới lỏng các biện pháp chống dịch phù hợp, bao gồm cả việc dần nối lại các hoạt động du lịch. Ngày du lịch thế giới năm nay (27/9) có chủ đề “Du lịch vì sự phát triển toàn diện”, nhấn mạnh ưu tiên khôi phục ngành công nghiệp không khói làm động lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Những du khách Malaysia đầu tiên đã đến với Đảo Langkawi trong tháng này, khi quốc gia này mở cửa trở lại cho du khách trong nước đã được tiêm phòng đầy đủ. Langkawi là địa điểm du lịch đầu tiên mở cửa trở lại của Malaysia như một phần của bong bóng du lịch nội địa, với các quy trình nghiêm ngặt được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều người dân bày tỏ ủng hộ trước quyết định của chính phủ.
Ảnh minh họa: The Regulatory Review
Singapore cũng chuyển hướng thúc đẩy các tour du lịch trong nước, còn Philippines đang chờ đợi sáng kiến “hành lang xanh” có thể sớm được thông qua. Dù xác định du lịch nội địa là “điểm tựa”, nhưng nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đang thí điểm hộ chiếu vaccine, mở ra cơ hội du lịch cho khách quốc tế. Thái Lan bắt đầu mở cửa trở lại Phuket vào tháng 7 vừa qua cho khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng.
Trước đó, châu Âu là những quốc gia mở cửa ngành du lịch sớm nhất, với các biện pháp cụ thể như ban hành chứng nhận vaccine giúp du khách có thể di chuyển dễ dàng giữa các quốc gia thành viên. Mùa hè vừa qua những địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng của Tây Ban Nha hay Hy Lạp đông nghịt người, cho thấy sức hồi sinh mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói này. Xuất trình chứng nhận tiêm chủng đầy đủ; hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính; hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19 là yếu tố tiên quyết cho một chuyến du lịch nước ngoài trong giai đoạn hiện nay.
Du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển. Do dịch COVID-19, lượng khách du lịch quốc tế giảm 95% ở nhiều nước, với dự báo GDP toàn cầu mất hơn 4 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay. Đây là một cú sốc lớn đối với các nền kinh tế, đặc biệt các quốc gia đang phát triển. Chủ đề “Du lịch vì sự phát triển toàn diện” của Ngày du lịch thế giới năm nay cũng nhấn mạnh yếu tố con người trong chiến lược phát triển du lịch toàn cầu.
Tổng giám đốc Tổ chức Du lịch thế giới Zurab Pololikashvili gửi đi thông điệp: “Tôi tái khẳng định cam kết xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn thông qua du lịch, không ai bị bỏ lại phía sau. Du lịch vì sự phát triển toàn diện là khởi động ngành du lịch có sự tham gia của những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, xây dựng nền tảng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Rõ ràng để giảm thiệt hại hơn nữa những tác động của đại dịch COVID-19 đối với thế giới, tái khởi động các ngành kinh tế, trong đó có du lịch là cần thiết. Tuy nhiên mở cửa sao cho an toàn đòi hỏi các nước phải nghiên cứu một chiến lược thận trọng. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành tại nhiều quốc gia, ngành du lịch chỉ có thể hồi phục bền vững khi thiết lập được các tuyến đường du lịch xanh, điểm đến an toàn, tất cả những người đi du lịch đều phải được tiêm phòng và được kiểm soát chặt chẽ./.
Phạm Hà/VOV1