Hành trang lữ khách

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen ( Long An) - Điểm đến thú vị

Cập nhật: 28/06/2019 09:56:16
Số lần đọc: 1385
Thiên nhiên đã ban tặng tỉnh Long An vùng đất Láng Sen, có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước, giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu cho toàn vùng Đồng Tháp Mười cũng như khu vực hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây đã được công nhận là Khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar của thế giới và là một điểm đến độc đáo của khách du lịch.

Từ thành phố Tân An (Long An), đi theo quốc lộ 62 khoảng 90 km về phía kênh 79 là đến Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Ramsar Láng Sen). Vào mùa nào khung cảnh thiên nhiên nơi đây cũng đẹp. Gia đình ông Võ Văn Hiền, ấp Cải Sách, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, đã nhiều đời sống trên vùng đệm thuộc khu vực bảo tồn đất ngập nước Láng Sen cho biết: Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cánh rừng tràm thuộc Khu đất bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là vùng căn cứ cách mạng. Chính vì lẽ đó mà từ năm 1965 đến 1970 vùng đất này đã chịu nhiều bom đạn. Khi đó cánh rừng tràm già chết đi, tràm con ngoi lên từ mặt đất và tiếp tục phủ lên một mầu xanh tuyệt đẹp. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, nơi đây mùa đẹp nhất là khi tràm trổ bông, đồng lúa vàng óng trải rộng cả một vùng trời bất tận.



Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trên diện tích các xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại và Vĩnh Châu A thuộc huyện Tân Hưng, có diện tích khoảng năm nghìn héc-ta. Trong đó, khu sinh thái vùng lõi rừng tràm rộng hai nghìn héc-ta, phần còn lại là rừng tràm kinh tế và vùng đệm để sản xuất nông nghiệp. Theo Phó Giám đốc Khu bảo tồn Láng Sen Nguyễn Công Toại, đặc trưng hệ sinh thái vùng đất ngập nước Láng Sen bao gồm: Rừng tràm, ruộng lúa, đồng cỏ ngập nước theo mùa, thảm thực vật thân gỗ, dây leo chịu ngập, bãi lầy ven sông…, phong phú các loài thực vật, nhiều nhất là các loài sen, súng, năng ngọt, lúa ma, cỏ ống, lục bình, rau dừa...; khoảng 148 loài với hơn 20 nghìn cá thể chim nước trú ngụ, tiêu biểu như: Sếu đầu đỏ, chim già đẫy, diệc lửa, diệc xám, giang sen, cò trắng chân xanh… Đây là khu vực thuận lợi cho việc khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước và động vật có xương sống. Riêng vùng lõi khu bảo tồn Láng Sen có 12 tiểu khu được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây và tách biệt với khu dân cư. Dưới lòng kênh 79 của khu bảo tồn này là nơi sinh sống của hơn 78 loài thủy sản nước ngọt, trong đó có 27 loài đặc hữu sông Mê Công như: Cá tra dầu, cá lóc bông, cá thát lát, cá linh… Với địa hình đa dạng rất đặc trưng sinh thái kiểu vùng đầm lầy ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn, Láng Sen đã được Tổ chức Công ước Ramsar công nhận là một trong chín khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới. Nơi đây chính là một Đồng Tháp Mười thu nhỏ, hấp dẫn, ngày càng đông khách du lịch và các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đến thưởng ngoạn, tìm hiểu.

Để bảo tồn và nâng cao giá trị kinh tế trên vùng đất đa dạng sinh học Láng Sen, thời gian qua địa phương đã phối hợp với Tổ chức Động vật hoang dã thế giới (WWF) triển khai thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp thông minh cho 150 thành viên trong chín nhóm nông dân tham gia. Với nguồn vốn xoay vòng gần một tỷ đồng do WWF hỗ trợ, ban quản lý khu bảo tồn đã đưa đến từng hộ dân đang sinh kế trong khu vực vùng đệm thuộc khu bảo tồn để nuôi trồng thủy sản, trồng nấm, trồng lúa ứng dụng công nghệ cao; mời các kỹ sư và nhà khoa học về hướng dẫn nông dân trồng lúa giảm phát thải nhà kính để tiết kiệm giống, nước, giảm vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh Long An cũng đang kêu gọi tư nhân đầu tư các khu nghỉ dưỡng để du khách dừng chân thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ kỳ thú của vùng đất đa dạng sinh học này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cho biết: Để phát huy giá trị Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, tỉnh đã quy hoạch khu bảo tồn các hệ sinh thái đa dạng sinh học, được bảo vệ nghiêm ngặt để lưu giữ nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Với địa hình đa dạng theo sinh thái kiểu vùng đầm lầy ngập nước tạo cho Láng Sen một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Đối với khu vực vùng đệm nằm trong khu vực quy hoạch bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, tỉnh cũng đã chỉ đạo địa phương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập trên từng đơn vị diện tích và đời sống trong từng nông hộ./.

 

Nguồn: nhandan.com.vn

Cùng chuyên mục