Bánh cây vạn tuế - đặc sản của Nhật Bản
Cây vạn tuế mọc khá phổ biến ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ. Còn ở Việt Nam, người ta thường trồng vạn tuế để làm cảnh. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, vỏ, ngọn cây và hạt vạn tuế đều chứa chất độc có thể gây ung thư hoặc rối loạn thần kinh mãn tính. Thậm chí còn có cảnh báo không nên dùng tay bứt lá, hạt, vỏ cây để tránh bị ngộ độc do các hợp chất alkaloids. Thế nhưng ở đảo Amami Oshima (Nhật Bản), người ta lại xem đây là một thực phẩm quý cần trân trọng và sử dụng nó mỗi ngày, suốt hàng trăm năm nay.
Amami Oshima là "quê hương" của hàng trăm loại vạn tuế. Chúng mọc khắp nơi, gần như bao phủ cả đảo. Có cây cao to đến nỗi nhìn từ xa, bạn cứ tưởng rằng đấy là rừng dừa.
Thời chiến, khi lương thực khan hiếm, nông dân trên đảo đã buộc phải ăn hạt vạn tuế sống qua ngày dù biết rằng nó chứa nhiều chất độc có thể làm chết người nếu ăn quá nhiều. Tuy nhiên, nhờ vậy mà người dân trên đảo được cứu sống. Chính vì thế mà cây vạn tuế trở thành "cứu tinh" của người bản địa. Họ xem đây là một loài cây quý, cần phải biết ơn. Trải qua nhiều năm nghiên cứu, cải tiến và phát triển, cuối cùng người trên đảo tìm ra cách xử lý các chất độc có trong cây để có thể yên tâm thưởng thức nó mỗi ngày.
Sau khi chọn những cây tốt, họ chặt và tách lấy hạt. Phần thân bị gọt vỏ, rồi tách ra thành từng mảng, phơi dưới ánh nắng mặt trời trước khi đem đi lên men từ 7 đến 10 ngày. Toàn bộ quá trình thu hoạch, sơ chế, người nông dân cần phải đeo đồ bảo hộ và làm thật cẩn thận để không bị nhiễm độc. Sau khoảng 3 tuần thì chúng sẽ được đem đi chế biến thành những món ăn khác nhau như làm bột để nấu mì, làm bánh quy, bánh mochi, nấu cháo... Theo người trên đảo Amami Oshima, vị của cây vạn tuế rất nhạt. Chúng hầu như không có vị gì. Nhưng chính vì thế mà nó rất thích hợp để ăn kèm món khác./.