Khu du lịch nghỉ dưỡng bằng tre lớn nhất miền Bắc tại Ninh Bình
Không chỉ góp phần hoàn thiện loại hình du lịch cao cấp tại Ninh Bình mà Vedana Cúc Phương còn tạo ra sự khác biệt bởi đây là công trình có kiến trúc bằng tre lớn nhất miền Bắc, mang đến những trải nghiệm mới, đầy thú vị về hệ sinh thái đặc biệt cũng như những dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp cho du khách.
Không ai hình dung được hơn 10 năm về trước nơi đây chỉ là bãi đá lộ đầu của xã vùng cao Cúc Phương đến cây cỏ cũng không mọc được, người dân bỏ hoang bao đời nay. Xác định đây là diện tích lớn không thể sử dụng canh tác nông nghiệp nhưng lại có lợi thế về du lịch được thụ hưởng từ nguồn tài nguyên, văn hóa như Vườn Quốc gia Cúc Phương, nguồn nước khoáng ngầm cộng với văn hóa bản địa của người Mường cổ... huyện Nho Quan đã quy hoạch khu vực này để thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Đưa chúng tôi đi tham quan khu du lịch nghỉ dưỡng đang sắp đi vào hoạt động, anh Lê Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương trải lòng: Là người con quê hương Ninh Bình có kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực du lịch hơn 10 năm nay, tôi luôn trăn trở với câu hỏi: "Tại sao quê mình đẹp thế mà mình lại phải đi xa để làm du lịch? Tôi nhiều lần về khảo sát tại các khu điểm du lịch lớn của Ninh Bình để chọn địa điểm đầu tư.
Nhưng có lẽ tôi có duyên với Cúc Phương, bởi trong tiềm thức tôi luôn định hình mình sẽ chọn nơi có phong cảnh gần gũi với thiên nhiên hoang sơ, nơi cội nguồn văn hóa. Chính vì thế dù vất vả, khó khăn đến mấy tôi cũng quyết phải hoàn thành tâm ý của mình xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng trên vùng núi đá này."
Ý định ban đầu của anh Lê Quốc Thịnh là xây tổ hợp khách sạn với thiết kế hiện đại nhưng khi tìm về với Cúc Phương anh lại bỏ ý tưởng đó vì sợ sẽ phá vỡ không gian nơi đây. Nung nấu 5 năm, anh quyết định tìm đến kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa để được thỏa mãn mong muốn của mình là tạo nên khu nghỉ dưỡng với kiến trúc xanh gần gũi thiên nhiên.
Anh Thịnh hào hứng: "Với ý tưởng phát triển dự án thành một rừng hoa lớn, kết hợp với hệ sinh thái đa dạng sẵn có của rừng Quốc gia Cúc Phương, chúng tôi mong muốn mang đến những trải nghiệm mới, đầy thú vị về hệ sinh thái đặc biệt cũng như những dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp cho du khách".
Hiện thực hóa điều này KTS Võ Trọng Nghĩa đã tối đa hóa các vật liệu từ thiên nhiên, tỷ lệ bê tông hóa hạn chế ở mức thấp nhất. Ông chọn vật liệu bằng tre để xây dựng phần lớn khu du lịch nghỉ dưỡng Venada Resort Cúc Phương. Bởi cây tre đối với người miền Bắc Việt Nam có ý nghĩa rất lớn, được sử dụng làm nhà ở, nhà hàng, khách sạn tạo ra một thẩm mỹ khác biệt.
Cây tre sau khi được xử lý ngâm, tẩm, sấy sẽ không bị mối mọt, độ bền cao không thua kém gì vật liệu công nghiệp nhưng lại gần gũi với thiên nhiên và không phá hoại môi trường. Khu nghỉ dưỡng được ví như tác phẩm nhân tạo lấy cảm hứng từ cảnh quan đặc trưng của Ninh Bình và rừng Cúc Phương.
Để làm nên công trình này, anh Thịnh đã phải tìm vào Tây Ninh đặt mua tre và thuê chính những người thợ có kinh nghiệm ở Tây Ninh làm trong 2 năm sau đó đưa ra Cúc Phương để thi công xây dựng. Theo thiết kế, Khu du lịch nghỉ dưỡng Vedana có không gian vui chơi giải trí với diện tích hơn 15ha, lớn nhất tỉnh Ninh Bình với 225 căn condotel, 135 căn biệt thự, 8 căn Bungalow. Đây là công trình kiến trúc bằng tre có quy mô lớn nhất tại miền Bắc hiện nay.
Tại đây du khách sẽ được đắm mình trong những hoạt động với thiên nhiên như đạp xe, câu cá; thư giãn với ngôi nhà an dưỡng, vườn thiền, khu spa hay phòng gym và sân tennis hiện đại. Với không khí trong lành, tĩnh lặng, cách biệt với thế giới bên ngoài, Vedana Resort hứa hẹn sẽ là nơi không chỉ đem lại cho du khách những hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn mà còn trân trọng cả những giá trị tinh thần vô giá của con người.
Anh Thịnh cho biết: Điểm nhấn của khu nghỉ dưỡng là 3 công trình hoàn toàn bằng tre đó là nhà hàng tre rộng 1.000m2 để phục vụ các hoạt động hội nghị, team building… Công trình có tổng chiều cao lên đến hơn 15m tương đương một ngôi nhà cao 5 tầng, 1 không gian khổng lồ đã được tạo nên bởi hơn 70.000 cây tre; một nhà đón tiếp được xây dựng với 23.000 cây tre và Trung tâm hội nghị với 113.000 cây tre. Đây là các công trình bằng tre lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Điều đặc biệt là không hề có bất cứ một vật liệu kim loại nào để kết nối các thân tre. Với kỹ thuật đặc biệt, thân tre được gắn kết lại với nhau bằng thanh tre vót nhọn và các loại dây dù. Có đến tận nơi mới thấy không gian khổng lồ này bạn mới cảm nhận được công trình làm bằng thân cây tre và chắc chắn sẽ không khỏi trầm trồ thán phục bởi sự tài hoa của những người thợ đã tạo nên kết cấu công trình hết sức đặc biệt này.
Anh Lê Quốc Thịnh kỳ vọng, Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần đưa du lịch Ninh Bình "cất cánh" trở thành tâm điểm của du lịch miền Bắc. Đồng thời khi dự án đi vào khai thác sẽ góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và sẽ cùng với chính quyền địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn làm tốt công tác an sinh xã hội.
Nguyễn Thơm