ThS. Phạm Bá Hùng - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Huế
Kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Tây Nguyên (Phần 1)
TÓM TẮT
Đại dịch COVID-19 và sự biến đổi khí hậu nhanh chóng đã gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến thế giới trên nhiều lĩnh vực và tác động nặng nề đến lĩnh vực du lịch. Đây cũng là cơ hội để thế giới đánh giá lại mô hình tăng trưởng gắn với xu thế tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia đang hướng tới. Hành vi tiêu dùng của du khách trong đại dịch COVID-19 và thời gian tới đang có những thay đổi, quan tâm hơn đến vấn đề an toàn, sức khoẻ và sản phẩm du lịch xanh, thân thiện môi trường. Việc xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Tây Nguyên nói chung và điểm đến khu du lịch Măng Đen (Kon Tum) nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức để phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá – xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ khóa: tăng trưởng xanh, du lịch xanh, mô hình, điểm đến du lịch.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm qua, với những tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ và sự đột phá của cách mạng 4.0 đã đem lại nhiều cơ hội tăng trưởng. Việc đổi mới, sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng thông minh, thân thiện môi trường đang trở thành xu hướng. Quá trình tăng trưởng kinh tế và phát triển khoa học công nghệ đã đem lại những thành tựu lớn nhưng vẫn chưa bền vững và bao trùm. Nền kinh tế chia sẽ thấp dẫn đến sự lãng phí và khai thác, sử dụng tài nguyên không bền vững gây ra nhiều tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học… kéo theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp, vấn đề an ninh phi truyền thống cũng như cơ hội phát triển bền vững cho thế hệ tương lai.
Xu thế tăng trưởng xanh trở thành một lựa chọn ưu tiên và là mục tiêu mà nhiều quốc gia đang hướng đến. Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn và bị đe doạ nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường. Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam sớm xác định là yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế. Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết quốc tế thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trước những bối cảnh mới trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Đối với lĩnh vực du lịch, trước sự tác động mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19 và hành vi tiêu dùng của khách hàng đang có những thay đổi gắn với xu thế đổi mới, sáng tạo và tăng trưởng xanh góp phần vào phát triển bền vững lĩnh vực du lịch phải được tiếp tục quan tâm, xem xét để thích ứng trong tình hình mới. Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và trong nước để xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh gắn với đặc trưng vùng miền góp phần vào chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và các chiến lược thành phần mà Việt Nam đã cam kết.
2. TỔNG QUAN LÝ THUYẾT
2.1. Tổng quan nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu tài liệu liên quan đến tăng trưởng xanh trong lĩnh vực du lịch, xây dựng mô hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh của các tổ chức, các học giả trong và ngoài nước qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong xây dựng mô hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Nghiên cứu về: “Tăng trưởng xanh và bền vững: Vai trò của ngành du lịch, lữ hành và công nghiệp dịch vụ khách sạn tại Hàn Quốc” của nhóm tác giả Jung Wan Lee và Michael Kwag (2013), Đại học Boston (Mỹ) đã cho rằng du lịch có thể tương tác với sự phát triển bền vững về kinh tế, sinh thái và xã hội vì nó ít ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường hơn hầu hết các ngành công nghiệp khác, trong đó có thể được phân bổ cho sử dụng đất gây hại môi trường hơn và cung cấp một nền kinh tế để bảo tồn môi trường và môi trường tự nhiên. Những phát hiện này cho thấy ngành du lịch và thương mại được quản lý hiệu quả ở Hàn Quốc đã dẫn đến cả tăng trưởng kinh tế và giảm lượng khí thải CO2. Do đó, tiếp tục phủ xanh khu vực du lịch và khách sạn cần được ưu tiên cho phát triển nền kinh tế. [8].
Nghiên cứu: “Phân tích lý thuyết: Phát triển du lịch, ô nhiễm môi trường và tăng trưởng kinh tế” của nhóm tác giả Manash Ranjan Gupta và Priya Brata Dutta (2018) đã chỉ ra rằng phát triển du lịch đã đem lại hiệu quả kinh tế như tăng vốn đóng góp và thu nhập của người dân nhưng đã làm giảm chất lượng môi trường trong trạng thái ổn định tương đối. Vì vậy các chính sách phát triển du lịch cần được đi kèm với các chính sách giảm thiểu ô nhiễm để đảm bảo tăng trưởng xanh. [9].
Hai tác giả Juan Ignacio Pulido-Fernández và Yaiza López-Sánchez (2016) từ Đại học Jaén, Tây Ban Nha đã nghiên cứu “Khách du lịch có thực sự sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các điểm đến bền vững?”, đã đưa ra khái niệm “sự thông minh bền vững” của khách du lịch (bao gồm: mức độ cam kết, thái độ, kiến thức hoặc hành vi liên quan đến tính bền vững). Nghiên cứu của họ cho thấy phân khúc khách du lịch với mức độ thông minh bền vững cao hơn sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một điểm đến bền vững hơn và sẵn sàng trả tiền để tận hưởng một điểm đến bền vững hơn. [7].
Hội thảo khoa học quốc tế “Du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào tháng 02/2012, tham dự hội thảo có các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong nước và nước ngoài như Đức, Hoa Kỳ, Indonesia, Singapore, Sri Lanka, Nhật Bản, Hàn Quốc... và đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch đã nhận được nhiều khuyến nghị về đầu tư vào việc xanh hóa nền du lịch có thể giúp giảm chi phí năng lượng, nước, chất thải và nâng cao giá trị của đa dạng sinh học, hệ sinh thái và di sản thế giới. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý tưởng gợi mở về mô hình du lịch xanh như: mô hình du lịch nông nghiệp; du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; xu hướng kiến trúc thân thiện với môi trường; du lịch di sản, mua sắm, giải trí.
Tại Việt Nam, Tổng cục Du lịch cùng các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp đã sớm tham gia, thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Tại Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch gần đây đã có nhiều hoạt động và giao nhiều nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực du lịch nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong các giai đoạn.
Nghiên cứu của tác giả A.A.Ayu Ngurah Harmini (2016): “Mô hình điểm đến du lịch xanh tại vùng Klungkung quận Nusa Lembongan tỉnh Bali, Indonesia”. Nghiên cứu này được thực hiện kết hợp với mô hình du lịch xanh hay du lịch bền vững của Muller và điểm đến du lịch của Leiper. Tác giả đánh giá du lịch xanh tại điểm đến vùng Klungkung đã khuyến nghị: 1) lợi ích phát triển kinh tế địa phương thông qua giải quyết việc làm, phúc lợi cộng đồng, tăng thu từ ngoại tệ; 2) cộng đồng được tham gia công tác quản lý điểm đến; 3) văn hóa được bảo tồn và gìn giữ cho thế hệ tương lai; 4) Bảo tồn tài nguyên đảm bảo tính xác thực để tăng giá trị gia tăng cho điểm đến; 5) điểm đến du lịch phát triển hướng đến sự hài lòng của du khách [5].
Với cách tiếp cận từ những từ khoá của lĩnh vực nghiên cứu như: du lịch xanh, điểm đến du lịch, mô hình tăng trưởng, tăng trưởng xanh, nhóm nghiên cứu đã làm rõ các nội hàm để áp dụng đối với mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại điểm đến khu du lịch Măng Đen (Kon Tum) nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
2.2. Một số khái niệm liên quan
2.2.1. Du lịch xanh (green tourism):
Từ những năm 1980, khái niệm du lịch xanh được đề cập và nhiều nhà nghiên cứu, đơn vị, tổ chức đã có những góc nhìn, quan điểm khác nhau về du lịch xanh. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO, 2012) quan niệm du lịch xanh bao gồm: “Các hoạt động du lịch có thể được giữ gìn, hoặc duy trì bất kỳ thời gian nào trong bối cảnh xã hội, kinh tế, văn hóa và môi trường”. Chương trình Môi trưởng Liên Hợp Quốc (UNEP, 2011) xem du lịch xanh là chìa khóa hướng đến một nền kinh tế bền vững “cải thiện sức khỏe con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể rủi ro môi trường và suy kiệt sinh thái” [11].
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính, du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương [13]. Theo tác giả Chiến Thắng, trong bài: “Nghiên cứu trao đổi về Du lịch xanh tại Việt Nam hiện nay: Bài học kinh nghiệm của Thái Lan và triển vọng trong tương lai” đã cho rằng: du lịch xanh có thể được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu [12].
Từ những cách tiếp cận trên nhóm nghiên cứu nhận diện du lịch xanh là loại hình du lịch có trách nhiệm với môi trường, quy mô khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên và hướng tới lợi ích của cộng đồng địa phương. Du lịch xanh là hoạt động du lịch chú trọng đến giá trị thân thiện với môi trường.
2.2.2. Điểm đến du lịch (tourism destination):
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, điểm đến du lịch (điểm chính của chuyến đi): là điểm đến chính của một chuyến đi du lịch được xác định là địa điểm cốt lõi để quyết định thực hiện chuyến đi [16]. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), đã đưa ra khái niệm về điểm đến du lịch: “Điểm đến du lịch là vùng không gian địa lý mà khách du lịch ở lại ít nhất một đêm, bao gồm các sản phẩm du lịch, các dịch vụ cung cấp, các tài nguyên du lịch thu hút khách, có ranh giới hành chính để quản lý và có sự nhận diện về hình ảnh để xác định khả năng cạnh tranh trên thị trường” [18].
Theo Luật Du lịch Việt Nam (2017), điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch.
Điểm đến là một trong những yếu tố quan trọng trong du lịch bởi là nơi mà phần lớn hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng và các hoạt động du lịch kết nối, tác động lẫn nhau.
2.2.3. Mô hình (model):
Theo Từ điển mở (Wiktionary): Mô hình được định nghĩa là một mô tả có hệ thống về một đối tượng hoặc hiện tượng thể hiện sự quan trọng về các đặc điểm của đối tượng hoặc hiện tượng đó. Mô hình còn được hiểu là hình thức diễn đạt hết sức gọn theo một ngôn ngữ nào đó các đặc trưng chủ yếu của một đối tượng, để nghiên cứu đối tượng ấy [19]. Các mô hình khoa học có thể là vật chất, trực quan, toán học hoặc tính toán và thường được sử dụng trong việc xây dựng các lý thuyết khoa học.
Mô hình là một cấu trúc mô tả hình ảnh đã được tối giản hóa theo đặc điểm hoặc diễn biến của một đối tượng, một hiện tượng, một khái niệm hoặc một hệ thống. Mô hình có thể là hình ảnh hoặc một vật thể cụ thể thu nhỏ phóng đại, chỉ làm gọn bằng phương trình toán học, công thức vật lý, một phần mềm tin học để mô tả một hiện tượng thực tế mang tính điển hình [1].
Mô hình là sự đơn giản hóa hiện thực một cách có chủ định, nó cho phép nhà nghiên cứu bỏ qua các mặt thứ yếu để tập trung vào phương diện chủ yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề nghiên cứu. Nói một cách đơn giản, mô hình là sự mô tả hoạt động và mối quan hệ của các yếu tố trong một hệ thống thực để đạt được những mục tiêu nhất định [3].
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, nên khi đề cập đến mô hình liên quan đến du lịch, như mô hình tăng trưởng xanh của một điểm đến du lịch ở Tây Nguyên trong nghiên cứu này, sẽ là mô hình kinh tế áp dụng cho lĩnh vực du lịch trên cơ sở mô hình do Muller (1994) đề xuất về phát triển bền vững phải duy trì sự cân bằng 5 các yếu tố được gọi là Kim tự tháp ngũ giác kỳ diệu và mô hình phân tích mức độ quan trọng và mức độ thể hiện (IPA- Importance-Performance Analysis).
2.2.4. Tăng trưởng xanh (green growth):
Mỗi quốc gia, tổ chức có những tầm nhìn khác nhau về tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện, sứ mệnh và định hướng của chính quốc gia, tổ chức mình.
Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh được định nghĩa là: “Sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững” [14].
2.2.5. Kinh tế xanh (green economy):
Cho đến nay, định nghĩa của UNEP được coi là chính xác và đầy đủ về Kinh tế xanh: “Là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải các-bon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội” [2].
Kinh tế xanh được dẫn dắt bởi việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của trái đất, hạn chế suy giảm sinh thái và các rủi ro về môi trường, bao gồm: năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà sử dụng hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến và nông, lâm, ngư nghiệp bền vững (UNEP, 2010a, p. 5). Các nhân tố chính của nền kinh tế xanh là: 1) Các thế hệ và việc sử dụng nguồn năng lượng có khả năng tái tạo; 2) Sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả; 3) Quản lý và tối thiểu hóa rác thải; 4) Bảo tồn và sử dụng bền vững các tài nguyên tự nhiên đang tồn tại; và 5) Sáng tạo ra công việc xanh.
Như vậy, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh là 2 khái niệm có những điểm tương đồng nhưng không phải là tương đương. Theo khoa học kinh tế phát triển, tăng trưởng là một cấu thành sự phát triển của nền kinh tế, còn kinh tế xanh có nội hàm rộng hơn và phong phú hơn so với tăng trưởng xanh.
2.2.6. Phát triển bền vững (sustainable development):
Ở Việt Nam, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường (2014) xác định “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), các nguyên tắc bền vững đề cập đến các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội của phát triển du lịch và sự cân bằng phù hợp phải được thiết lập giữa ba khía cạnh này để đảm bảo tính bền vững lâu dài của nó [17].
Phát triển bền vững và kinh tế xanh có mối liên hệ mật thiết và gắn bó với ứng phó biến đổi khí hậu, với nội hàm khái niệm về kinh tế xanh, có thể thấy rằng kinh tế xanh không chỉ bao gồm mục tiêu kinh tế mà nó còn mở rộng bao gồm cả các mục tiêu xã hội và môi trường, sinh thái. Do vậy, thực chất thì kinh tế xanh đi đôi với phát triển bền vững, hay là phương thức mới để thực hiện phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để đi đến phát triển bền vững, các quốc gia phải lựa chọn mô hình phù hợp bối cảnh, điều kiện của mình, lựa chọn tăng trưởng xanh chính là cơ sở để xây dựng kinh tế xanh và phát triển bền vững. Đẩy mạnh tăng trưởng xanh sẽ giúp từng bước xanh hóa nền kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh.
2.3. Đề xuất mô hình nghiên cứu
Du lịch theo hướng tăng trưởng xanh thực sự rất liên quan đến du lịch bền vững bởi các yếu tố đều quan tâm đến tính bền vững của tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hoá. Theo Muller (1994), phát triển bền vững phải duy trì sự cân bằng 5 các yếu tố được gọi là Kim tự tháp ngũ giác kỳ diệu như sau:
Hình 1. Ngũ giác phát triển du lịch bền vững (Muller, 1994) [10], [14]
Thang đo với 22 chỉ tiêu được lựa chọn đánh giá trên 5 yếu tố cốt lõi của du lịch xanh như sau: 1. Phát triển kinh tế (4 chỉ tiêu); 2. Hạnh phúc người dân địa phương (3 chỉ tiêu); 3. Bảo vệ tài nguyên (5 chỉ tiêu); 4. Phát triển văn hóa (5 chỉ tiêu); 5. Sự hài lòng khách hàng (5 chỉ tiêu). Tất cả năm yếu tố này phải được coi trọng như nhau, không đặt nặng sự ưu tiên nào.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tiếng Việt:
1. Lê Anh Tuấn (2008), Mô hình hóa Môi trường, Giáo trình của trường Đại học Cần Thơ.
2. Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Thế Chinh, & Trần Văn Ý (2020). Mối quan hệ giữa Tăng trưởng xanh, Kinh tế xanh, Kinh tế tuần hoàn và Phát triển bền vững. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Số 5 (504), tháng 5/2020.
3. Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Quốc Hưng (2021), Xây dựng mô hình tăng trưởng xanh cho điểm đến du lịch của vùng Tây Nguyên, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Trường Cao đẳng Du lịch Huế.
Tài liệu tiếng Anh:
5. A.A.Ayu Ngurah Harmini (2016): “Mô hình điểm đến du lịch xanh tại vùng Klungkung quận Nusa Lembongan tỉnh Bali, Indonesia”, Journal of Business on Hospitality and Tourism, Vol 02, Issue 1, p. 266-276 .
7. Juan Ignacio Pulido-Fernández và Yaiza López-Sánchez (2016), Are Tourists Really Willing to Pay More for Sustainable Destinations?, Sustainability, Volume 8, Issue 12.
8. Jung Wan Lee và Michael Kwag (2013), Green Growth and Sustainability: The Role of Tourism, Travel and Hospitality Service Industry in Korea, Journal of Distribution Science, Vol.11, No.7, p.15-22.
9. Manash Ranjan Gupta và Priya Brata Dutta (2018), Tourism development, environmental pollution and economic growth: A theoretical analysis, The Journal of International Trade & Economic Development, Volume 27, Issue 2.
10. Müller, H (1994). “The thorny path to sustainable tourism development”, in Journal of Sustainable Tourism, 2:3, 131-136.
11. Pedro Pintassilgo (2016), Green Tourism, Encyclopedia of Tourism, Springer International Publishing Switzerland, pp 405-406.
Tài liệu trên mạng:
12. Chiến Thắng, Nghiên cứu trao đổi về Du lịch Xanh tại Việt Nam hiện nay: Bài học kinh nghiệm của Thái Lan và triển vọng trong tương lai, Tổng cục Du lịch, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (29/3/2019).
15. https://www.researchgate.net/figure/Muellers-magic-pentagon_fig2_348430752
17. https://www.unwto.org/sustainable-development
18. https://www.vtr.org.vn/nhung-quan-niem-ve-diem-den-du-lich.html#_ftn1
19. https://vi.wiktionary.org/wiki/m%C3%B4_h%C3%ACnh#Ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t