Tin tức - Sự kiện

Kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Tây Nguyên (Phần 2)

Cập nhật: 23/09/2022 16:17:47
Số lần đọc: 925
Hành vi tiêu dùng của du khách trong đại dịch COVID-19 và thời gian tới đang có những thay đổi, quan tâm hơn đến vấn đề an toàn, sức khoẻ và sản phẩm du lịch xanh, thân thiện môi trường. Việc xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Tây Nguyên nói chung và điểm đến khu du lịch Măng Đen (Kon Tum) nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức để phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá – xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  3.1. Địa bàn nghiên cứu

Thị trấn Măng Đen nằm ở phía nam huyện Kon Plông, trên cao nguyên Măng Đen, ở độ cao khoảng 1200 mét so với mực nước biển. Thị trấn có quốc lộ 24 đi qua, nằm cách thành phố Kon Tum khoảng 50 km về phía đông bắc và cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 140 km về phía tây nam. Măng Đen có vị trí địa lý:

- Phía đông giáp xã Hiếu và tỉnh Gia Lai

- Phía tây giáp xã Măng Cành và huyện Kon Rẫy

- Phía nam giáp huyện Kon Rẫy

- Phía bắc giáp xã Măng Cành và xã Ngọc Tem.

Thị trấn Măng Đen có diện tích 148,07 km², dân số năm 2018 là 6.913 người, mật độ dân số đạt 47 người/km².

Do nằm ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển, được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng nguyên sinh bao quanh, thị trấn có nền khí hậu miền núi ôn hòa mát dịu quanh năm. Bên cạnh thảm rừng nguyên sinh, cảnh quan thiên nhiên nơi đây còn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và nông nghiệp cây xứ lạnh, cây dược liệu do độ ẩm cao, thổ nhưỡng phù hợp, địa hình đa phần gò đồi thấp, cùng hệ thống sông, suối và nhiều hồ, thác nước. Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20, người Pháp đã đến Măng Đen khảo sát, đưa cây thông vào trồng với ý định xây dựng một trạm nghỉ dưỡng trên vùng đất này [4], [19]. Vì khí hậu và cảnh quan đặc biệt, có nhiều nét tương đồng với Đà Lạt và định hướng phát triển trở thành khu du lịch sinh thái quốc gia.

  3.2. Phương pháp nghiên cứu

    3.2.1. Mô hình phân tích mức độ quan trọng và mức độ thể hiện (IPA- Importance-Performance Analysis)

Để phân tích mức độ quan trọng và mức độ đáp ứng các yếu tố, nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình phân tích IPA (Importance - Performance Analysis) được đề xuất bởi Martilla và James (1977) [6]. IPA là mô hình đánh giá chất lượng dịch vụ dựa trên sự chênh lệch giữa ý kiến khách hàng về mức độ quan trọng của các chỉ tiêu và mức độ thực hiện các chỉ tiêu của nhà cung cấp dịch vụ (I-P gaps).

Theo mô hình này, chất lượng dịch vụ được xác định như sau: Chất lượng dịch vụ = Mức độ quan trọng – Mức độ thể hiện

Mô hình này phân loại những thuộc tính đo lường chất lượng dịch vụ, cung cấp cho nhà cung ứng dịch vụ những thông tin bổ ích về điểm mạnh và điểm yếu của những dịch vụ mà mình cung cấp cho khách hàng. Từ đó nhà quản trị cung ứng dịch vụ sẽ có những quyết định chiến lược đúng đắn để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Kết quả từ sự phân tích mức độ quan trọng và mức độ thực hiện được thể hiện trên sơ đồ IPA với trục tung (Y) thể hiện mức độ quan trọng và trục hoành (X) thể hiện mức độ thực hiện.

Hình 2. Mô hình phân tích mức độ quan trọng - mức độ thực hiện (IPA -Importance-Performance Analysis) [6]

Phần tư thứ I (Tập trung cải thiện): Những thuộc tính nằm ở phần tư này được xem là rất quan trọng đối với khách hàng, nhưng mức độ thực hiện của nhà cung cấp dịch vụ rất kém. Kết quả này giúp cho nhà quản trị dịch vụ cung cấp chú ý những thuộc tính này, tập trung cải thiện mức độ cung cấp dịch vụ nhằm thoả mãn khách hàng.

Phần tư thứ II (Tiếp tục duy trì): Những thuộc tính nằm ở phần tư này được xem là rất quan trọng đối với khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ cũng đã có mức độ thể hiện rất tốt. Nhà quản trị cung cấp dịch vụ nên tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh này.

Phần tư thứ III (Hạn chế phát triển): Những thuộc tính nằm ở phần tư này được xem là có mức độ thể hiện thấp và không quan trọng đối với khách hàng. Nhà quản trị cung cấp dịch vụ nên hạn chế nguồn lực phát triển những thuộc tính này.

Phần tư thứ IV (Hạn chế đầu tư): Những thuộc tính nằm ở phần tư này được xem là không quan trọng đối với khách hàng, nhưng mức độ thể hiện của nhà cung ứng rất tốt. Có thể xem sự đầu tư quá mức như hiện tại là vô ích. Nhà quản trị cung cấp dịch vụ nên sử dụng nguồn lực này tập trung phát triển những thuộc tính khác.

    3.2.2. Kích thước mẫu điều tra

Bảng hỏi khảo sát thiết kế được lấy ý kiến 02 chuyên gia có nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực du lịch và tăng trưởng xanh. Bảng hỏi được thí điểm khảo sát tại 01 đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch tại Măng Đen có liên quan đến hoạt động du lịch thân thiện môi trường (Soc House, Y Trang, Măng Đen) gồm 03 đối tượng: khách, nhà cung cấp dịch vụ và người dân tham gia cung cấp dịch vụ để hoàn thiện bảng hỏi. Điều tra chính thức được nhóm nghiên cứu tiến hành thông qua khảo sát trực tiếp tại Măng Đen và gián tiếp thông qua nhà cung cấp dịch vụ.

Theo thông tin của Phòng Văn hóa, Thông tin của huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum cung cấp tháng 12 năm 2020, do tác động của dịch bệnh COVID-19 chỉ khoảng 20 đơn vị hoạt động có cung cấp dịch vụ lưu trú (chủ yếu nhà nghỉ du lịch, nhà có phòng ngủ cho thuê - homestay) với khoảng 200 phòng ngủ, công suất tối đa khoảng 400 lượt khách với công suất sử dụng rất thấp chỉ đạt từ 20 - 30% và số người dân ít tham gia cung cấp dịch vụ du lịch với khoảng 20 - 40 người làm việc tại các cơ sở lưu trú (mỗi cơ sở duy trì từ 1 - 2 người phục vụ). Với độ tin cậy khoảng 95% và sai số khoảng ± 0.05, kích thước mẫu khảo sát 85 phiếu khách du lịch, 19 phiếu đơn vị cung cấp dịch vụ và 27 người dân địa phương.

Kết quả thu về được 80 phiếu khách du lịch, 19 phiếu đơn vị cung cấp và 28 người dân. Sau khi rà soát, nhập dữ liệu sơ cấp số phiếu đảm bảo thông tin còn lại 74 khách du lịch, 17 đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và 25 người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch.

    3.2.3Công cụ và phương pháp phân tích số liệu

Trong phạm vi nghiên cứu, sử dụng phần mềm SPSS 20.0 (Statistical Package for the Social Sciences) để phân tích số liệu điều tra. Thiết kế của nghiên cứu được thực hiện bằng cách kết hợp du lịch xanh hoặc du lịch bền vững của Muller với điểm đến du lịch của Leiper nhằm xây dựng mới một mô hình các kỹ thuật phân tích dữ liệu được sử dụng nhằm mô tả theo phép phân tích số liệu thống kê. Vì vậy, phép phân tích này được kỳ vọng sẽ đưa ra ý nghĩa của một mô hình điểm đến du lịch xanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt:

4. Quyết định 298/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plong, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum đến năm 2030.

Tài liệu tiếng Anh:

6. John A.Martilla, John C.Jame, (1977) Importance-Performance Analysis, Journal of marketing, Vol.41, No.1, pp 77-79.

Tài liệu trên mạng:

19. https://vi.wiktionary.org/wiki/m%C3%B4_h%C3%ACnh#Ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t

ThS. Phạm Bá Hùng - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Huế

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT