Kon Tum : Người Gié Triêng làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Đắk Dục là xã biên giới, nằm ở phía bắc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Định cư lâu đời trên địa bàn xã chủ yếu là đồng bào Gié Triêng. Với sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, đồng bào Gié Triêng nơi đây đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, các nghệ nhân luôn ý thức được rằng việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ là trách nhiệm của chính họ.
Ông Bloong Hâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết: Toàn xã có 9 thôn, làng; trong đó có 8 thôn, làng đồng bào dân tộc Gié Triêng sinh sống. Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của của Đảng, Nhà nước về bảo tồn văn hóa dân tộc, các chính sách ưu đãi để đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tự giác, tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa, những sản phẩm truyền thống độc đáo và khơi dậy trong đồng bào DTTS niềm tự hào và yêu thích sử dụng nhạc cụ, trang phục truyền thống...
Đến nay, 8 thôn, làng đồng bào DTTS đều có nhà rông truyền thống; 6/8 thôn có đội cồng chiêng; 8/8 thôn có đội múa xoang và điệu múa truyền thống của dân tộc Gié Triêng; nhiều lễ hội được gìn giữ và phát huy, như lễ hỏi, lễ cưới truyền thống, lễ mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng và nhiều bài dân ca, giao duyên được lưu giữ.
Các nghệ nhân người Gié Triêng ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục chế tác các loại nhạc cụ truyền thống.
Theo giới thiệu của ông Bloong Hâm, chúng tôi tìm đến làng Đăk Răng, nơi được xem là điểm sáng trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn xã. Làng Đăk Răng hiện có gần 100 hộ, đồng bào Gié Triêng nơi đây vẫn duy trì kiến trúc cổ với các ngôi nhà sàn thấp quay quần bên nhà rông và giữ gìn được hầu hết các nét văn hóa truyền thống.
Trong số các nghệ nhân trong làng, nghệ nhân ưu tú Brôl Vẻ được xem là người am hiểu nhất về các giá trị văn hóa truyền thống. Bằng đôi bàn tay khéo léo và đôi tai thẩm âm tốt, nghệ nhân Brôl Vẻ đã biến các loại cây như: lồ ô, tre, nứa, vỏ bầu thành những loại nhạc cụ độc đáo.
"Trong các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc, phải nói rằng nhạc cụ của dân tộc Gié Triêng phong phú và rất đa dạng. Dân tộc Gié Triêng đã chế tác ra 12 loại nhạc cụ, như: đàn bin long, eng ong ọt, đing gor, khèn, ong eng nhâm, long gia ling ling, đâlđô, ta lun… Mỗi loại nhạc cụ đều có những nét hay, nét đẹp riêng và được sử dụng vào từng thời điểm, từng nghi lễ riêng trong năm", nghệ nhân Brôl Vẻ chia sẻ.
Nghệ nhân ưu tú Brôl Vẻ (bên trái) hướng dẫn anh Bloong Muôn cách biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
Không chỉ chế tác, biểu diễn, nghệ nhân Brôl Vẻ luôn dành thời gian để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ trong làng về cách chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ. Vì thế, ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Brôl Vẻ luôn rộn ràng âm thanh của các loại nhạc cụ truyền thống.
Anh Bloong Muôn ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi được nghệ nhân Brôl Vẻ truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống cho biết: "Nhờ nghệ nhân truyền dạy nên tôi biết biểu diễn tất cả các loại nhạc cụ dân gian và qua đó thấy các nhạc cụ đóng vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng của người dân ở đây. Tôi cảm thấy rất yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc".
Đối với đồng bào Gié Triêng, cồng chiêng không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần. Chính từ đó, các thế hệ nghệ nhân trên địa bàn xã luôn dành nhiều thời gian, tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ để họ nối tiếp truyền thống văn hóa đặc sắc của cha ông.
"Sau thời gian lên nương rẫy thì buổi chiều tối chúng tôi thường xuyên tổ chức dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên, thiếu nhi trong thôn. Đó là trách nhiệm của chúng tôi để giá trị văn hóa không bị mai một", nghệ nhân A Bê ở thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi chia sẻ.
Ngoài cồng chiêng, các loại nhạc cụ truyền thống, hiện nay trên địa bàn xã Đăk Dục nghề rèn, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Gié Triêng duy trì và phát huy. Bên những góc nhà, với chiếc khung cửi thô sơ, những cuộn chỉ dệt và đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ Gié Triêng đã làm ra những tấm thổ cẩm độc đáo với những hoa văn riêng biệt, thể hiện được đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân tộc Gié Triêng.
Chị Y Ớp ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: "Dệt thổ cẩm là thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Những tấm thổ cẩm không chỉ phục vụ cho cuộc sống gia đình, cộng đồng mà còn chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa đặc sắc. Vì vậy, tôi phải có trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ con, cháu để giá trị truyền thống ấy mãi trường tồn với thời gian".
Phụ nữ Gié Triêng ở xã Đăk Dục giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng hiện nay các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một do những tác động tất yếu của quá trình hội nhập và phát triển.
Ông Bloong Hâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi chia sẻ, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xã sẽ tiếp tục phát huy vai trò của những nghệ nhân trong công tác truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ; đẩy mạnh công tác sưu tầm, ghi chép những bài chiêng, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn bó với cồng chiêng để lưu giữ và phát huy lâu dài.
Cùng với đó, UBND xã đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng và lựa chọn làng Đăk Răng để xây dựng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Qua đó, khuyến khích dân tộc Gié Triêng ở làng Đăk Răng nói riêng và các thôn, làng trên địa bàn xã nói chung tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc./.
Khánh Ngân