Nhiều hoạt động đặc sắc với Tuần ''Đại đoàn kết - Cội nguồn dân tộc''
Với các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu các hoạt động dân ca, dân vũ, ẩm thực, sản vật phong phú của các dân tộc góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, tạo điểm đến, thu hút khách du lịch, hoàn thiện sản phẩm du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần phong phú các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2023.
Lễ dâng y là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống người Khmer sẽ diễn ra tại Quần thể chùa Khmer Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam
Chương trình tháng 11 “Đại đoàn kết - Cội nguồn dân tộc” có nhiều hoạt động như: Hoạt động điểm nhấn chủ đề “Đại đoàn kết - Cội nguồn dân tộc”; Hoạt động theo cụm làng dân tộc tôn vinh sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống gắn bó, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng.
Chương trình hoạt động tại cụm làng của các dân tộc phía Bắc theo tuyến điểm gần nhau: Trên cơ sở nhận thức “Đoàn kết là sức mạnh nguồn cội” việc các làng dân tộc gần nhau cùng gắn kết chung một không gian xích lại gần nhau phát huy nội lực của chính mình và tạo thành một khối mảng màu đa dạng của một cụm không gian.
Với không gian văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên), Mông (Hà Giang), Dao (Ba Vì, Hà Nội). Đồng bào nơi đây có những nét văn hóa dân tộc dân vũ đặc trưng như đàn Tính, hát Then của các dân tộc Tày, Nùng; múa khèn của dân tộc Mông và có một không gian thuận lợi để tái hiện, tổ chức các hoạt động dân ca dân vũ, trò chơi dân gian có sự tương tác của du khách như kéo co, ném pao, đi cà kheo, bập bênh...
Bên cạnh đó là Chương trình hoạt động tại cụm các dân tộc phía Bắc cùng một địa phương: Với thế mạnh của làng dân tộc Thái, Khơ Mú là hai dân tộc anh em, gần gũi; cảnh quan đẹp, giàu truyền thống văn hóa bản địa với xòe Thái, ném còn, các điệu múa truyền thống của đồng bào Khơ Mú, những món ăn ẩm thực của hai làng dân tộc đều mang những nét đặc trưng vùng miền rất riêng mà có lẽ nếu thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Những món ăn được chế biến công phu, độc đáo, ẩm thực truyền thống của các dân tộc được xem là cách truyền tải hữu hiệu nhất nét văn hóa dân tộc. Các món ăn được chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên, đặc sắc: Món xôi màu, thịt lợn hấp, gà nướng, thịt trâu hun khói, măng chua...
Chương trình hoạt động tại Tây Nguyên sẽ đem đến cho công chúng những sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc tại Làng bằng các nhạc cụ truyền thống, dân ca dân vũ, truyền dạy về nhạc cụ dân tộc truyền thống, các hoạt động trò chơi dân gian kết nối du khách và cộng đồng các dân tộc tăng cường tinh thần giao lưu, học hỏi, đoàn kết nhau cùng phát triển; Các hoạt động được sự kết hợp của những chủ thể văn hóa vùng đất Tây Nguyên sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận về đất và người nơi đây; Biểu diễn những tiết mục về quê hương đất nước, khối đại đoàn kết dân tộc hưởng ứng các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”.
Chương trình hoạt động tại làng Nam bộ và điểm tín ngưỡng tâm linh sẽ trình diễn sắc màu văn hóa của các nhóm đồng bào Nam Bộ gồm có dân tộc Khmer (Sóc Trăng) giới thiệu nét di sản văn hóa nghệ thuật Rô băm; các điệu Zom vông, lâm lêu... Cùng các hoạt động giới thiệu trang phục truyền thống, nghề thủ công, các món ăn miền Tây Nam bộ...kết hợp với tín ngưỡng ngôi chùa Khmer Nam Tông, đền tháp của đồng bào Chăm.
Góp phần làm phong phú thêm Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”, các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng hưởng ứng Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2023 sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động dân ca dân vũ, trò chơi dân gian gắn kết giữa các nhóm đồng bào và du khách trong việc giới thiệu quảng bá nét văn hóa dân tộc địa phương cũng như tạo nên khối đoàn kết đồng lòng cùng phát triển; Giới thiệu về nghề thủ công truyền thống và những sản phẩm mang tính ứng dụng và sinh hoạt giúp du khách hiểu, trải nghiệm quy trình của các nghệ nhân được thao tác một trong những công đoạn của quy trình ấy và mua những sản phẩm bà con tự làm; Các trò chơi dân gian truyền thống như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ..., biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng: đàn Chapi, đàn đá, hát những ca khúc về Tây Nguyên…
Chương trình giao lưu “Bài ca kết đoàn” của đồng bào các dân tộc đang hoạt động tại Làng Giao lưu văn nghệ giữa các đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng để tăng cường sự gắn kết, giúp đỡ nhau, cùng nhau vượt khó bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng.
Trong tháng 11 cũng diễn ra Đại lễ dâng y Kathina năm 2023 tại quần thể chùa Khmer. Bên cạnh đó, các hoạt động hàng ngày của các làng dân tộc tại Làng tiếp tục giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.
Hà An