Thừa Thiên Huế: Trải nghiệm văn hóa Pa Cô ở làng A Nôr
Du khách làm bánh A quát cùng đồng bào địa phương
Nhờ du lịch mà bà con có thêm thu nhập, đời sống ổn định
Làng A Nôr bắt đầu các hoạt động đón khách từ những năm 2010 nhưng chủ yếu là hoạt động nhỏ lẻ, chưa có nhiều cơ sở lưu trú đáp ứng nhu cầu. Từ năm 2018, điểm du lịch ở A Nôr được huyện A Lưới đầu tư xây dựng bài bản dựa trên khai thác các thế mạnh về thiên nhiên, cảnh quan núi rừng, suối thác và văn hóa đặc trưng của đồng bào Pa Cô. Từ đó, công tác quảng bá, xúc tiến, kết nối được địa phương và Sở Du lịch quan tâm, nhiều doanh nghiệp đã khai thác các đoàn khách đến A Nôr, chưa tính lượng khách lẻ, khách gia đình đi trải nghiệm ngày một tăng. Trong các dịp nghỉ lễ, cuối tuần, những dòng khách cứ nườm nượp đến với làng du lịch sinh thái A Nôr.
Chị Phạm Thị Tuyết, Phòng VHTT huyện A Lưới thông tin, Khu du lịch sinh thái cộng đồng A Nor đã có đến 10 cơ sở lưu trú (homestay) đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiện 21 hộ dân ở đây tham gia hoạt động khai thác du lịch, ngoài các hộ có cơ sở lưu trú thì những hộ dân khác cũng khai thác các dịch vụ trải nghiệm đặc trưng của đồng bào địa phương. Du khách đến với làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr tập trung nhiều từ các tháng 1-9, các tháng còn lại là mùa mưa nên khách dừng chân tham quan, tìm hiểu, không lưu trú nhiều.
Một trong những người tham gia hoạt động du lịch cộng đồng ở làng A Nôr từ nhiều năm nay là chị Lê Thị Kim Thoa chia sẻ: “Nhờ du lịch mà gia đình tôi có thêm thu nhập, đời sống ổn định. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương sẽ có những cách làm hay để du lịch cộng đồng ở A Nôr phát triển, giúp đồng bào nơi đây làm kinh tế và ổn định lâu dài”.
Chị Thoa là chủ homestay Nhuận Thoa, ngoài người thân trong gia đình thì bà con địa phương cũng cùng tham gia các hoạt động biểu diễn dân ca, dân vũ, chế biến ẩm thực… tại homestay của chị vào những ngày đông khách. Mức thù lao nhận được góp phần giúp bà con có thêm nguồn thu đáng kể để trang trải cuộc sống.
Một đêm lửa trại ở làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr
Góp phần bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống
Thung lũng nhỏ A Nôr cách trung tâm thị trấn A Lưới khoảng 3 km về hướng Bắc, đường đi đã được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang nên trở thành điểm đến thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt những dịp nghỉ lễ, cuối tuần, lượng khách đến A Lưới rất đông với mong muốn khám phá, tham quan, trải nghiệm nét đẹp hoang sơ và bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao. Hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr có 17 thành viên, được phân công tổ chức hoạt động bài bản theo các tổ lưu trú, dịch vụ, trải nghiệm, an ninh trật tự…
Cách làng không xa là thác A Nôr thơ mộng, nước quanh năm trong vắt, mát lành. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ tắm gội với phương pháp truyền thống xưa của đồng bào vùng cao, tát nước bắt cá, check-in, ngắm cảnh thiên nhiên núi rừng… Du khách thoải mái lựa chọn các cơ sở lưu trú phù hợp tại làng A Nôr như: Homestay Quốc Cảnh, Nhuận Thoa, Nguyệt Nhi, A Nor House, Bungalow Cá Tầm, Hồ Sơn, Hồ Trâm, Toni Nguyên… và tham gia các dịch vụ, hoạt động trải nghiệm như biểu diễn dân ca, dân vũ; tìm hiểu những tập tục trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào Pa Cô; làm bánh A quát truyền thống; đan lát các vật dụng thường ngày như A poq, Ka ria, Ka ôi, A đêng…; thưởng thức những món ăn, thức uống đặc trưng của địa phương. Trong đêm yên tĩnh, giữa ánh lửa bập bùng, điệu dân vũ rộn ràng, say đắm, quyện với âm hưởng dập dìu của tiếng trống chiêng, tiếng khèn bè, đưa người xem trải nghiệm các cung bậc cảm xúc thăng hoa. Hiện chương trình Một ngày làm già làng Pa Cô cũng đã thu hút rất đông du khách trải nghiệm, khám phá.
Du khách trải nghiệm làm người Pa Cô và hoạt động giã gạo truyền thống
Vào các dịp lễ hội, chính quyền địa phương phối hợp với ngành Văn hóa huyện A Lưới tổ chức tái hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào Pa Cô tại làng A Nôr như: Đám cưới truyền thống; các loại trò chơi dân gian leo cột, kéo co, cà kheo… Qua đó, vừa quảng bá, giới thiệu đến du khách, vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào và trao truyền đến thế hệ mai sau.
Năm 2021, Huyện ủy A Lưới ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU về phát triển du lịch huyện nhà giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; cùng với đó, chính quyền địa phương cũng đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, hành động. Đến nay, toàn huyện đã có 5 làng du lịch cộng đồng đang hoạt động khá tốt, trong đó nổi bật là làng A Nôr, đây cũng chính là sản phẩm OCOP chuẩn 3 sao của huyện A Lưới. Ngoài ra, huyện cũng đang xây dựng mô hình trải nghiệm tìm hiểu nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi tại thôn Pa Ris Ka Vin (xã Lâm Đớt) nhằm phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào gắn với phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới nhấn mạnh: “Huyện đã triển khai phân công các đơn vị giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế cho bà con ở các địa phương đặc biệt khó khăn nhằm phát triển đời sống, vươn lên thoát nghèo. Một số mô hình đã được đẩy mạnh và nhân rộng như chăn nuôi bò vàng, trồng dược liệu, trồng chuối già lùn và phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...”.
Sơn Thùy